CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tăng cường pháp lý quy định về BVMT nơi công cộng

0

Trong quá trình xây dựng, tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Luật BVMT sửa đổi, Bộ TN&MT nhận thấy, mặc dù Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định giao nhiều cơ quan, chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường nơi công cộng, hoạt động xây dựng, hoạt động giao thông trong thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả. Cụ thể các hành vi diễn ra phổ biến nhưng không ai chịu trách nhiệm trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm này; trình tự thủ tục xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính còn phức tạp và chưa phù hợp với các vi phạm về bảo vệ môi trường tại các khu vực này (đòi hỏi phải được phát hiện kịp thời và được xử phạt ngay, xử phạt tại chỗ).

Do vậy, dự thảo ban đầu Bộ TN&MT đã đề xuất quy định rõ các chức danh như chiến sỹ công an nhân dân, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng…, có trách nhiệm xử phạt các cá nhân có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường nơi công cộng, hoạt động xây dựng, giao thông để gắn trách nhiệm của các chức danh này. Đồng thời, quy định việc xử phạt này thông qua biên lai thu tiền trực tiếp (theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chỉ phạt không quá 250.000 đồng/hành vi đối với cá nhân) và các cơ quan này được giữ lại 50% số tiền phạt để duy trì hoạt động kiểm tra, phát hiện vi phạm của các lực lượng này.

Đối với các hành vi vi phạm khác như xả chất thải vượt quy chuẩn, vi phạm các thủ tục về môi trường thì mức phạt tối đa vẫn là một tỷ đồng đối với cá nhân và toàn bộ tiền xử phạt được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Ngân sách Nhà nước.

Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội và Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT, Ban soạn thảo đã tiếp thu, xem xét, bổ sung và hoàn thiện các quy định này trong dự thảo Luật BVMT sửa đổi để trình Quốc hội với mục tiêu thống nhất với các lĩnh vực và nguyên tắc chung của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện quy định các tổ chức, cá nhân quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, khu du lịch, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, chợ, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, bến phà và khu vực công cộng khác được “phạt” các hành vi vi phạm của cá nhân theo nội quy, quy chế bảo vệ môi trường khu vực đã được ban hành, niêm yết. Đây bản chất là việc “phạt” theo quy định, quy chế về bảo vệ môi trường, nhằm tăng cường giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng đã được ban quản lý khu vực ban hành, không phải là “xử phạt” vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc các quy định khác.

Hiện nay, khi sử dụng một số dịch vụ tại các khách sạn, sân bay, nhà ga, bến tàu…, thì người sử dụng có thể bị Ban Quản lý các khu vực này phạt tiền nếu không thực hiện đúng quy chế, nội quy của khu vực. Thực tiễn hình thức này đang phát huy hiệu quả, cần được pháp lý hóa trong các quy định của pháp luật. Quy định này sẽ tạo sự răn đe, tăng ý thức tự giác của cá nhân đối với môi trường khi tham gia các hoạt động tại khu công cộng.

Bảo vệ môi trường nơi công cộng hoặc hoạt động lĩnh vực chuyên ngành ngoài việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể cần tăng cường và cụ thể hóa các quy định về hành chính đối với môi trường, bởi các hoạt động nơi công cộng đang ngày càng phổ biến trong các giao tiếp xã hội hiện nay.

Nguồn Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.