CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn

0

Đối với chất thải rắn sinh hoạt, theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom toàn quốc gần 38.000 tấn/ngày đêm; xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định khoảng 32.000 tấn/ngày đêm (tỷ lệ 86%, tăng 1% so với năm 2017 và 4% so với năm 2010; trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 70%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp khá cao, đạt trên 90% khối lượng phát sinh.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng. Một số địa phương đã đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Điển hình là thành phố Cần Thơ đã đưa Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ vào hoạt động với công suất xử lý rác thải sinh hoạt 400 tấn/ngày và phát điện khoảng 60 triệu Kwh/năm; thành Phố Hải Phòng đã vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát với công nghệ sản xuất rác thải thành phân bón hữu cơ với công suất xử lý 200 tấn rác và 40 tấn bùn/ngày; Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu đến năm 2020 bảo đảm cơ bản hoàn thành triển khai việc phân loại rác tại nguồn. Nhìn chung, so với các đô thị còn lại, lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tại các đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 được thu gom đạt tỷ lệ khá cao. Công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được thực hiện thí điểm ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, một số chương trình mới dừng ở mức thí điểm, ở phạm vi hẹp, chưa được triển khai nhân rộng. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình phân loại rác đã được triển khai thí điểm nhiều lần và gần đây đã được nhân rộng đồng loạt tại 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, chương trình đã có kết quả khá tốt và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Năng lực thu gom xử lý chất thải nguy hại của các cơ sử xử lý tăng cao hơn (năm 2018 tăng 05 cơ sở xử lý chất thải nguy hại so với năm 2017, xử lý được thêm 500 nghìn tấn/năm). Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đúng quy định đạt khoảng 75%. Bên cạnh việc thu gom, tự xử lý chất thải nguy hại trong nước, Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu chất thải nguy hại ra nước ngoài, góp phần làm giảm áp lực về xử lý chất thải ở trong nước.

Đối với chất thải rắn công nghiệp, trước đây, tro xỉ than chỉ được tái chế để làm gạch không nung, phụ gia bê tông, phụ gia xi măng… Tuy nhiên, lượng tro xỉ được sử dụng làm vật liệu xây dựng mới chỉ đạt gần 30% tổng lượng tro, xỉ phát sinh. Với lượng tro xỉ than lớn, ngày càng nhiều của các nhà máy nhiệt điện, phương án này không thể giải quyết hết nguồn thải. Do vậy, một số giải pháp xử lý tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất đã được áp dụng. Mục tiêu của các giải pháp này là xử lý phế thải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, cũng như sử dụng trong xây dựng. Các giải pháp này đồng thời giúp giảm diện tích bãi thải; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trong sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, do lượng xỉ than thường có khối lượng lớn và trong thành phần xỉ than có nhiều tạp chất ô nhiễm nên việc xử lý tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện còn gặp nhiều khó khăn.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.