Năm 2019, tổng khối lượng CTR sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đạt tỷ lệ khoảng 92% (tăng 6% so với năm 2018) (Biểu đồ 17, Phụ lục II); nông thôn đạt tỷ lệ khoảng 66% (tăng 6% so với năm 2018); trong đó tỷ lệ chôn lấp khoảng 70%.
Trong năm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất lựa chọn công nghệ xử lý CTR phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng. Với định hướng xử lý CTR tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý bài bản, hiệu quả, quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (Hà Tĩnh), Hưng Yên, Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam), Quảng Bình, Cần Thơ… Điển hình là tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ chôn lấp CTR sinh hoạt chỉ còn 43% (thấp nhất trong cả nước).
Tổng lượng chất thải y tế thông thường được xử lý khoảng 96.726 tấn/năm (đạt tỷ lệ 99,9%); tổng chất thải y tế nguy hại phát sinh trung bình là 21.810 tấn/năm, trong đó được xử lý là 21.562 tấn/năm (đạt tỷ lệ 98,86%).
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thuế BVMT, trong đó quy định túi nilon khó phân hủy là một trong những đối tượng chịu thuế BVMT. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thống nhất thực hiện các biện pháp giảm rác thải nhựa đại dương từ đất liền ra biển. Chính phủ đã phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa, thành lập Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam – PRO Vietnam; triển khai ký kết hợp tác công tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã có thư gửi đến các cơ quan, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và toàn thể đồng chí, đồng bào cả nước kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo việc giải quyết tình hình tồn đọng phế liệu tại các cảng biển. Theo đó, đã ban hành Nghị định số 82/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, Quyết định số 35/2019/QĐ-TTg ngày 19/12/2019 phê duyệt Quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu; Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/04/2019 quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR công nghiệp khá cao, đạt trên 90% khối lượng phát sinh. Đối với một số loại CTR đặc thù như tro xỉ, thạch cao, việc đảm bảo yêu cầu môi trường khi thực hiện tái chế đã được quan tâm triển khai. Tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng ở đạt trên 50% tổng lượng tro, xỉ phát sinh, nhiều cơ sở sản xuất đạt tỷ lệ tái sử dụng cao.
Năm 2019, cả nước có 124 cơ sở xử lý CTNH (tăng 06 cơ sở so với năm 2018); tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý đúng quy định đạt 80-85% (tăng 09% so với năm 2018). Bên cạnh việc thu gom, tự xử lý CTNH trong nước, Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu CTNH ra nước ngoài (năm 2019, Bộ TN&MT đã chấp thuận cho 09 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu CTNH với tổng lượng là hơn 3.958 tấn), góp phần làm giảm áp lực về xử lý chất thải ở trong nước.
Nguồn Monre.gov.vn