Ban hành và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách về tăng cường quản lý, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn – là nhiệm vụ giải pháp tổng thể nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường.
Bên cạnh việc xây dựng và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách về tăng cường quản lý, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn, trong thời gian tới, các nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường tập trung vào:
Xây dựng và thực hiện Đề án cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn (Tp Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh) và vùng phụ cận.
Thực hiện dự án tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo ô nhiễm tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; tăng cường quan trắc, thông tin về diễn biến chất lượng môi trường nước các lưu vực sông, hồ, vùng biển ven bờ; chất lượng không khí trong các đô thị lớn; ô nhiễm xuyên biên giới, nhất là trên các lưu vực sông Hồng, sông Mê Công.
Rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông lớn. Điều tra, đánh giá, lập bản đồ ô nhiễm nguồn nước LVS; thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguồn thải ra lưu vực sông; tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát các nguồn thải ra LVS Cầu, Nhuệ – Đáy, hệ thống Bắc – Hưng – Hải, Vu Gia – Thu Bồn, Sài Gòn – Đồng Nai và các dòng sông đã bị ô nhiễm trên phạm vi cả nước; thực hiện các giải pháp khơi thông dòng chảy, xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường nước trên các dòng sông đã bị ô nhiễm.
Điều tra, đánh giá, lập danh mục các khu vực đất ô nhiễm thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP và đề xuất kế hoạch xử lý, cải tạo phục hồi môi trường. Thực hiện kiểm soát dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất hữu cơ khó phân hủy, dioxin trong môi trường theo quy định của pháp luật. Thúc đẩy thực hiện công tác xử lý triệt để điềm nóng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin khu vực sân bay Biên Hòa, xử lý chất độc hóa học/dioxin ở khu vực sân bay A Sho, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nguồn Monre.gov.vn