CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Điều tiết các hành vi theo hướng thân thiện môi trường

0

Bộ TN&MT đang tổ chức lấy ý kiến, tham vấn cộng đồng về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Nhiều điểm mới trong dự thảo luận nhằm hướng đến mục tiêu đưa môi trường thực sự là là một trong 3 trụ cột phát triển bền vững.

 

Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường được thực hiện theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Cùng với thực tế quá trình phát triển kinh tế – xã hội nước ta hiện nay và hội nhập sâu rộng các hoạt động quốc tế, theo đó, quan điểm, định hướng của việc sửa đổi bổ sung Luật bảo vệ môi trường lần này sẽ thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên, đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là ba trụ cột trung tâm của phát triển.

Đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ với các hệ thống pháp luật có liên quan như pháp luật về đầu tư, đầu tư công, xây dựng, tài nguyên nước; hoàn thiện các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính phù hợp với thể chế kinh tế thị trường nhằm điều tiết các hành vi theo hướng thân thiện môi trường, nâng cao trách nhiệm, thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phát huy vai trò trung tâm của người dân, doanh nghiệp cùng với sự tham gia quản lý của các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở phân công, phân cấp đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến chính quyền địa phương các cấp…; chú trọng công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng chủ động, có trọng tâm, trọng điểm dựa trên việc phân nhóm, phân loại theo mức độ rủi ro, tính đặc thù của các vấn đề môi trường; kết hợp quản lý ngay trong quá trình với quản lý “cuối đường ống”.

Những nội dung mới, mang tính cốt lõi được tập trung sửa đổi trong dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi so với Luật bảo vệ môi trường năm 2014, đó là về quy hoạch bảo vệ môi trường; đánh giá môi trường chiến lược; đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường; quản lý chất thải; công cụ kinh tế, nguồn lực cho bảo vệ môi trường.

Trong đó, nội dung về công cụ kinh tế, nguồn lực cho bảo vệ môi trường hướng đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ hơn các công cụ kinh tế, các ưu đãi về bảo vệ môi trường, các nội dung chi cho bảo vệ môi trường nhằm khuyến khích phát triển năng lượng sạch, tái tạo; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nông nghiệp sinh thái; sản xuất và tiêu dùng bền vững; lối sống, hành vi ứng xử thân thiện với môi trường; bổ sung những ưu đãi mới đã có các văn bản dưới Luật; phân tách hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi; hoạt động bảo vệ môi trường được hỗ trợ; bổ sung thuế bảo vệ môi trường; chính sách về tiêu dùng xanh và chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, phân phối và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung quy định về quản lý cảnh quan thiên nhiên và BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quy chuẩn kỹ thuật môi trường;quản lý chất lượng môi trường; quan trắc, thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường; sự cố ô nhiễm môi trường; quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong công tác BVMT; các quy định về hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT, thanh tra, kiểm tra, bồi thường thiệt hại về môi trường, trong đó chú trọng các hành vi của người dân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp theo hướng thân thiện môi trường…

( Cổng TT Bộ TN&MT)

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.