CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Sự cần thiết ban hành Nghị định thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản

0

Bộ TN&MT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.

Biển và hải đảo Việt Nam có vị trí và vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, có ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như về lâu dài. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố có biển ước đạt 65 – 70% GDP cả nước.

Để thực hiện mục tiêu trên, một trong các khâu đột phá và giải pháp thực hiện có ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý; rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Việc ban hành Nghị định nhằm hướng dẫn quy định tại khoản 5 Điều 46 và khoản 3 Điều 47 Luật Thủy sản, cụ thể như sau:

Ngày 21 tháng 11 năm 2017, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV tại Kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Thủy sản. Trong đó, đã quy định trách nhiệm của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; trong đó, đã hướng dẫn một số quy định về giao, gia hạn, trả lại khu vực biển, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển, thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản.

Về quy định thế chấp quyền sử dụng khu vực biển; việc cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam; việc tổ chức, cá nhân Việt Nam cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển được giao cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để nuôi trồng thủy sản; quyền của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao khu vực biển, được thuê, nhận góp vốn, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển từ tổ chức, cá nhân Việt Nam; việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc gia, quốc phòng, an ninh; cùng với đó là quy định về trình tự, thủ tục thực hiện…theo quy định tại khoản 5 Điều 46, khoản 3 Điều 47 Luật Thủy sản; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nội dung này.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.