CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Sơn La xây dựng kế hoạch và kinh phí sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2023

0

(TN&MT) – UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định 2409/QĐ-UBND về kế hoạch và kinh phí ngân sách Nhà nước năm 2021 và kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm (2021- 2023) từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La.

Đoàn kiểm tra, giám sát với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La kiểm tra tại Công ty CP Phúc Sinh Sơn La

Năm 2020 và giai đoạn 3 năm 2018 – 2020, tỉnh Sơn La đã triển khai lồng ghép công tác bảo vệ môi trường với chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, Luật Đa dạng sinh học, các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương. Tập trung xử lý, khắc phục các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước về môi trường; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đẩy mạnh kiểm tra, xác nhận sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện như giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, nguyên nhân, tác hại, cách phòng chống ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; phòng ngừa, bảo vệ nguồn nước sạch, biểu dương các tổ chức, cá nhân tiêu biểu về bảo vệ môi trường… góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Môi trường đô thị, vùng nông thôn và khu dân cư tập trung từng bước được cải thiện.

Thanh, kiểm tra chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được tập trung triển khai thường xuyên. Đặc biệt yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở có lượng chất thải lớn, các cơ sở nằm ở khu vực đầu nguồn nước, các cơ sở khai thác khoáng sản.

Kết quả, năm 2018, tiến hành thanh, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường với 27 đơn vị; năm 2019 là 97 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính gần 1,8 tỷ đồng. Năm 2020, đã tiến hành thanh, kiểm tra 13 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính 640 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung báo cáo ĐTM; giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ; không lập kế hoạch quản lý môi trường; không lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP chế biến nông sản BHL Sơn La

Theo đánh giá của UBND tỉnh Sơn La, tới thời điểm hiện tại, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2020 cơ bản đáp ứng tiến độ theo Kế hoạch đề ra. Hoạt động thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, hỗ trợ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tổ chức thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường với hoạt động khai thác khoáng sản; đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện đồng bộ.

Các chỉ tiêu chính về môi trường dự kiến đạt được năm 2020 gồm: Tỷ lệ che phủ rừng 45,5%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 95%; tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch đô thị 93,2%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 100%; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom 90,5%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý 98%; tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đạt tiêu chuẩn 25%…

Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Sơn La tiếp tục đề ra các nhiệm vụ chính trong Kế hoạch bảo vệ môi trường, gồm: Hỗ trợ xử lý các điểm gây bức xúc môi trường ở địa phương; phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; quản lý chất thải; bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường năng lực quản lý môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và một số nhiệm vụ trọng tâm khác.

Trong đó, tập trung tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận, tập trung chính vào các cơ sở phát sinh chất thải lớn, các cơ sở chế biến cà phê khu vực đầu nguồn nước, các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các sự cố môi trường.

Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải; tiếp tục bảo vệ tốt môi trường các lưu vực sông. Kiểm soát chặt chẽ các khu, cụm công nghiệp trong việc xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT.

Triển khai thí điểm, lộ trình xã hội hóa công tác xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn. Xây dựng và đưa vào hoạt động, thống nhất quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường và đa dạng sinh học. Xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình tự quản tiên tiến ở địa phương.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, tổ chức thường xuyên các hoạt động bảo vệ môi trường. Xây dựng mô hình tự quản, tăng cường vai trò của cộng đồng trong giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường như hương ước, quy ước bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư, bản, tổ dân phố.

Dự kiến, tổng dự toán chi sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2023 toàn tỉnh Sơn La là hơn 383.000 triệu đồng, trong đó, đề nghị nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ là 105.000 triệu đồng.

Các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2023 dự kiến triển khai, gồm: Dự án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP Sơn la (2020-2022); Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về môi trường và đa dạng sinh học (2020-2022); Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát khai thác sử dụng, lưu trữ thông tin, dữ liệu tài nguyên nước (2020-2022); Điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của các sông, suối chính trên địa bàn tỉnh và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải của nguồn nước (2020-2022); Xây dựng đề án nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về BĐKH (2020-2021); Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vùng nông thôn (2020-2021)…

Xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường (2021-2023); Cải tạo, nâng cấp trạm xử lý nước rỉ rác áp dụng công nghệ oxy hóa nâng cao tại Khu xử lý chất thải rắn TP Sơn La (2021-2022); Dự án tăng cường năng lực quan trắc môi trường tỉnh (2021-2023); Điều tra đánh giá các hồ chứa, các thủy vực và phân cấp khu bảo tồn thiên nhiên ở tỉnh Sơn La (2021); Thí điểm mô hình phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại vùng trồng nhãn gắn với cơ sở chế biến long nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã (2021)…

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.