(TN&MT) – Ngày 17/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công đã chủ trì Hội nghị Phát triển thủy điện nhỏ an toàn, hiệu quả, bền vững gắn với quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá hiện trạng
Sơn La là địa phương có nhiều hệ thống công trình thủy điện nhỏ, phân bố tại các huyện Mường La, Bắc Yên, Mộc Châu, Sông Mã, Mai Sơn… với nhiều lưu vực. Theo báo cáo từ Sở Công thương Sơn La, đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 76 thủy điện nhỏ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng công suất trên 900MW, trong đó, 65 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư; 56 dự án đã hoàn thành phát điện lên lưới quốc gia; 5 dự án đang triển khai xây dựng; 4 dự án đang ở giai đoạn lập dự án, chuẩn bị đầu tư.
Sản lượng điện hàng năm của các thủy điện nhỏ đạt khoảng 2 tỷ MWh, chiếm khoảng 16,4% tổng sản lượng điện của tỉnh, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh khoảng 2.600 tỷ đồng. Hàng năm, các thủy điện nhỏ chi trả phí DVMTR cho các chủ rừng khoảng 70 tỷ đồng, một phần lớn được sử dụng cho công tác bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn…
Bên cạnh đó, quá trình phát triển thủy điện nhỏ, tỉnh đã phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất 1.679ha để giao đất, cho thuê đất với 58/65 thủy điện. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi, đền bù đất là hơn 3.600 hộ. Làm ảnh hưởng 237ha rừng, phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đến nay, các chủ đầu tư đã trồng rừng thay thế được gần 207ha; song chất lượng rừng trồng thay thế còn có mặt hạn chế.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở một số dự án thủy điện chưa nhận diện đầy đủ tác động ảnh hưởng của dự án đến các công trình hạ tầng, chưa đánh giá đúng về tốc độ bồi lắng lòng hồ, chưa cụ thể các giải pháp khắc phục…. dẫn đến có những phát sinh, bất cập, khi đi vào vận hành mới phát hiện, khó khắc phục, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, hiệu quả dự án.
Một số thủy điện lòng hồ bồi lắng không còn đủ dung tích để điều tiết nước phát điện nên chủ đầu tư tự ý cơi nới đập như Nậm Chim 1, Nậm Công 4, Nậm Sọi, Pá Chiến… gây nguy cơ mất an toàn đập. Một số chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, đặc biệt là duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập làm khô cạn dòng suối, như cụm thủy điện trên suối Nậm Công, To Buông, cụm Suối Lừm, suối Sập 2…
Giám đốc Sở Công thương Sơn La Phạm Thị Doan cho biết: Sau khi xảy ra tình trạng trên, cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, xử lý vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư chấp hành nghiêm việc duy trì dòng chảy tối thiểu, đảm bảo an toàn đập. Đến nay, cơ bản các chủ đầu tư đã chấp hành nghiêm, một số chủ đầu tư đang tập trung xử lý các tồn tại.
Là địa phương có 13 thủy điện nhỏ, với 11 nhà máy đã đi vào vận hành, huyện Bắc Yên đã tăng cường thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý các thủy điện nhỏ trên địa bàn. Theo đánh giá của UBND huyện, hàng năm, các chủ đầu tư thủy điện đã bố trí kinh phí trồng rừng, trồng trả lại cảnh quan môi trường. Một số nhà máy đã phối hợp thực hiện tốt đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển lâm nghiệp, trồng rừng thay thế, bảo vệ, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng, trồng cây phân tán, cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, tạo sinh kế cho nhân dân, giảm tác động đến môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, vẫn có một số thủy điện chưa chấp hành nghiêm quy định về an toàn hồ đập, hồ chứa nước như chưa phê duyệt phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa; cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập; cơi nới đập để tích nước… Số hộ bị thu hồi đất phục vụ thi công, vận hành, khai thác các nhà máy thủy điện tương đối lớn; dù đã hỗ trợ tiền GPMB, chuyển đổi sản xuất, song một số hộ sử dụng kém hiệu quả, làm giảm thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống về lâu dài.
Các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tham luận các nội dung: Thực trạng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại một số lưu vực thủy điện nhỏ; xây dựng cơ chế, chính sách trích một phần từ nguồn thu ngân sách của thủy điện nhỏ để đầu tư cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống khu vực đầu tư dự án; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR; đề xuất xây dựng mô hình giao chủ đầu tư thủy điện thực hiện quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi, phát triển rừng…
Các nhóm giải pháp chính được đề xuất, thảo luận, tập trung ở các nhóm vấn đề: Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lập hồ sơ quy hoạch chi tiết; thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư; đánh giá tác động môi trường… Nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả quản lý của chủ đầu tư thủy điện nhỏ…. Nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng công trình, quản lý an toàn đập; xây dựng hệ thống giám sát công tác vận hành, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước…
Đẩy mạnh khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn khu vực thủy điện nhỏ. Trước mắt, thí điểm các mô hình giao cho chủ đầu tư dự án thủy điện nhỏ quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi, phát triển rừng tại một số lưu vực đầu nguồn; triển khai các dự án trồng rừng kết hợp trồng cây ăn quả, dự án nông lâm kết hợp, khoanh nuôi tái sinh rừng, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương….
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công đã yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng hành cùng các doanh nghiệp giải quyết các tồn tại vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thủy điện. Xử lý nghiêm các chủ đầu tư không tuân thủ quy định về phát triển thủy điện nhỏ. Phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý đầu tư, xây dựng, vận hành sản xuất các dự án thủy điện gắn với trách nhiệm của từng cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Đối với các chủ đầu tư thủy điện nhỏ, lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật đảm bảo năng lực, khảo sát đánh giá kỹ, đầy đủ các yếu tố, đưa ra các phương án, giải pháp đầu tư đảm bảo hiệu quả, hạn chế tối đa các ảnh hưởng xấu đến môi trường, kết cầu hạ tầng, đời sống của nhân dân vùng dự án. Chấp hành đúng, đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn đập và các quy định liên quan.
Thực hiện nghiêm công tác đảm bảo môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng; thường xuyên thực hiện các giải pháp thanh thải lòng hồ, duy trì dòng chảy tối thiểu. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng… tạo nguồn sinh thủy ổn định cho hoạt động sản xuất, phát điện của các thủy điện nhỏ, nâng cao hiệu quả đầu tư, bảo vệ môi trường.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/