UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn 2173/UBND-NC, về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các khu thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 14 khu chôn lấp CTRSH đang hoạt động ổn định, trong đó, 1 nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La sử dụng phương pháp ủ sinh học làm phân; 1 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt trên địa bàn huyện Bắc Yên. Tại các huyện còn lại đều xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác do Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La thực hiện, cơ bản bảo đảm quy định pháp luật, góp phần bảo vệ môi trường đô thị an toàn, phục vụ thiết thực cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, qua kết quả rà soát, đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước, khi đi vào hoạt động, một số khu xử lý rác thải chưa lập đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường; đề án bảo vệ môi trường chi tiết), Giấy phép môi trường, xác nhận đăng ký môi trường (kế hoạch bảo vệ môi trường) được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận; không tiến hành quan trắc môi trường định kỳ. Việc xử lý nước rỉ rác chưa đảm bảo, không được quan trắc, giám sát định kỳ trước khi thải ra môi trường.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 14 khu chôn lấp CTRSH đang hoạt động ổn định.
Không phân loại chất thải nguy hại với các loại chất thải thông thường, không bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại tạm thời trước khi chuyển giao cho các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý. Một số khu chôn lấp hiện đã gần hết công suất xử lý.
Hầu hết tất cả các khu vực lưu trữ rác thải ở các xã, huyện, rác thải sau khi được thu gom về khu vực lưu trữ được đổ lộ thiên sau đó đốt thủ công; một số xã đã trang bị lò đốt rác song hệ thống xử lý khí thải còn thô sơ, chủ yếu dùng ống khói đơn thuần, khí thải ra môi trường có biểu hiện vượt quy chuẩn cho phép. Việc thực hiện không đúng các quy định về bảo vệ môi trường tại các điểm thu gom rác, khu chôn lấp rác thải tập trung tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
Để giải quyết, khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, UBND cấp huyện tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân, đặc biệt là quy định việc phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức…
Sơn La tăng cường giám sát, kiểm tra việc quản lý vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố, đảm bảo thực hiện nghiêm việc phân loại, xử lý rác thải.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình phê duyệt danh mục các dự án xử lý CTRSH; tham mưu ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý chất thải rắn theo quy hoạch của cấp có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dài hạn; tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho công tác liên quan đến CTRSH.
Sở Xây dựng chủ trì thẩm định, trình duyệt quy hoạch xây dựng các khu vực xử lý CTRSH; thẩm định quy hoạch, thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng các cơ sở xử lý CTRSH theo phân cấp; chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng các điểm tập kết, thu gom CTRSH. Hướng dẫn UBND cấp huyện công bố danh mục vị trí các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH trong các khu đô thị, điểm dân cư tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định sự phù hợp của công nghệ với các dự án đầu tư xử lý CTRSH; nghiên cứu, xác nhận chuyển giao ứng dụng công nghệ mới trong thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng CTRSH.
Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố tăng cường phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động thu gom, vận chuyển, quản lý, xử lý CTRSH; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục các tồn tại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các khu chôn lấp CTRSH. Xây dựng kế hoạch, lộ trình, trình cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu trữ, trung chuyển, vận hành, xử lý CTRSH; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý CTRSH trên địa bàn.
Tiến hành quan trắc môi trường định kỳ, đột xuất theo quy định để đánh giá tác động đến môi trường (đất, không khí, nước ngầm…); xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, không để xảy ra ô nhiễm. Chủ trì điều tra, khảo sát, đánh giá bãi chôn, lấp CTRSH do Nhà nước quản lý, bãi chôn, lấp CTRSH tự phát, bãi rác tạm, điểm tập kết rác thải tự phát đang hoạt động (hoặc đã đóng cửa) không hợp vệ sinh; chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện đầy đủ trách nhiệm về thu gom, quản lý CTRSH trên địa bàn. Chủ động đầu tư kinh phí, tiến hành sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, khí thải tại các ô chôn lấp, đảm bảo nước thải, khí thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.
Đơn vị trúng thầu hợp đồng dịch vụ công ích phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về phân loại CTRSH; ưu tiên dành nguồn kinh phí cho việc phân loại rác tại nguồn. Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm trong công tác vệ sinh môi trường đến mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức, đặc biệt là trách nhiệm của UBND các cấp. Chủ động đề xuất phương án, các biện pháp chuyên môn kỹ thuật với UBND các huyện, thành phố để bố trí nguồn kinh phí hợp lý khắc phục các tồn tại trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, đảm bảo chấp hành tốt pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trích nguồn: monre.gov.vn