(TN&MT) – UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch 213/KH-UBND, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2027.
Kế hoạch áp dụng với cơ quan quản lý nhà nước; các KCN, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Nội dung kế hoạch đã quy định rõ, các chủ dự án đầu tư, cơ sở thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường phải xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở, công khai kế hoạch, gửi kế hoạch tới UBND cấp xã và Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện. Bảo đảm đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở ít nhất 2 năm/lần.
Với dự án đầu tư, cơ sở có các hồ chứa chất thải, nước thải hoặc các bãi lưu giữ chôn lấp chất thải rắn… phải chủ động rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh các khu vực trên tại các cơ sở để tiến hành cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa bão, lốc, sét… Nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn xả thải; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải có thể xảy ra khi trời mưa.
Kế hoạch cũng nêu rõ, thông tin ô nhiễm môi trường phải được báo cáo kịp thời đến Ban chỉ huy PCTT&TKCN, UBND cấp tỉnh, huyện, xã nơi xảy ra sự cố hoặc theo các số điện thoại, địa chỉ thư điện tử, đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Quy định cụ thể cách thức ứng phó sự cố môi trường; xác định nguyên nhân, quan trắc, đánh giá sự cố; phục hồi môi trường sau sự cố; cung cấp thông tin về ứng phó sự cố môi trường…
Công tác ứng phó sự cố môi trường được thực hiện theo phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải có trách nhiệm ứng phó sự cố, chi trả chi phí ứng phó. Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào, người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức ứng phó sự cố môi trường; ứng phó sự cố môi trường phải theo sự phân công, phân cấp, chỉ huy thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia ứng phó.
UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, đặc biệt là các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản, chế biến nông sản, chăn nuôi… thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố.
Chủ trì, tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra; xây dựng cơ sở dữ liệu và lập, công khai thông tin về các nguồn có nguy cơ gây ra sự cố môi trường; đề xuất phương án tổ chức, triển khai thực hiện với UBND tỉnh trước ngày 10/12/2022, hoàn thành trong năm 2023. Phối hợp, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh, UBND các cấp đào tạo, tập huấn, tăng cường nâng cao năng lực trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Việc thực hiện kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, đảm bảo sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại với môi trường và con người; chủ động chuẩn bị các nguồn lực, phương án, phương tiện, thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/