Lan tỏa các mô hình chống rác thải nhựa, huy động các lực lượng “nòng cốt” như phụ nữ, thanh niên tham gia phong trào. Đó là những hành động thiết thực đang được nhân rộng trên phạm vi cả nước để chống rác thải nhựa.
Tại Hà Nội, xác định trách nhiệm là lực lượng nòng cốt tham gia phối hợp và chung tay bảo vệ môi trường, các cấp Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác phế thải ra đường, nơi công cộng” với nhiều hoạt động sáng tạo và việc làm cụ thể. Nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động cán bộ, hội viên, nhân dân Thủ đô chung tay bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hành tinh xanh, Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực thông qua những việc làm thiết thực như phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, “Tái chế – Tái sử dụng – Tiết kiệm”, “Công sở xanh”, “Sử dụng làn đi chợ”, “Biến chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản,… góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường sống của Thủ đô ngày càng trong sạch, an toàn và phát triển bền vững.
Cùng với các hội phụ nữ, tuổi trẻ Thủ đô cũng đó vai trò “nòng cốt” triển khai các mô hình giảm rác thải nhựa. Vừa qua, Thành Đoàn Hà Nội triển khai mô hình chợ dân sinh giảm rác thải nhựa tại chợ Văn La (quận Hà Đông) và Phú Gia (quận Tây Hồ). Chương trình đã tặng 5.000 túi thân thiện với môi trường, 500 cuộn túi đựng rác hữu cơ tự phân hủy, 100 chiếc làn nhựa sử dụng nhiều lần, phát 3.000 tờ rơi tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa và hướng dẫn cách phân loại và vứt rác đúng quy định.
Thực hiện mô hình, Đoàn thanh niên trên địa bàn sẽ tuyên truyền, phổ biến tới người dân và các hộ kinh doanh về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống. Vận động phân loại rác và thực hiện các hình thức gói hàng thay thế túi nilon như lá chuối, báo, các sản phẩm thân thiện với môi trường. Vận động tiểu thương không lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, không xả rác bừa bãi.
Tại An Giang “nói không với rác thải nhựa”, có rất nhiều hoạt động ứng phó được triển khai như: tăng cường liên kết giữa tổ chức đoàn thể, hệ thống giáo dục với cơ quan quản lý tài nguyên môi trường dưới sự chỉ đạo chung của hệ thống chính quyền để tuyên truyền nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và cộng đồng.
Đoàn viên, Thanh niên thực hiện công trình: tuyến đường “Thanh niên xanh – sạch – đẹp”; ngày thứ sáu xanh; ngày thứ bảy tình nguyện; Chủ nhật xanh. Ngoài ra, còn có các mô hình: nông dân tham gia bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới; phụ nữ xách giỏ đi chợ; phụ nữ nói không với túi ny-lon; cựu chiến binh thu gom rác thải nhựa; ấp tự quản bảo vệ môi trường; phân loại rác tại nguồn; phân loại rác tại công sở; tổ chức các gian hàng xanh…
Trong cộng đồng, các hoạt động đổi rác thải nhựa lấy sản phẩm được tổ chức thường xuyên như: đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang, xà bông ở TX. Tân Châu; đổi rác nhựa lấy ống hút làm từ rau, củ, quả ở huyện Chợ Mới; đổi rác nhựa lấy vật dụng, nhu yếu phẩm ở TP. Long Xuyên; ở huyện Phú Tân, Châu Phú đổi rác thải nhựa lấy gạo, nước tinh khiết, thu mua vỏ chai nhựa, tặng túi thân thiện môi trường ở siêu thị …
Tại Hòa Bình, tỉnh phấn đấu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và phong trào sâu rộng trong nhân dân. Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải đi đầu, gương mẫu trong hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” trong sinh hoạt. Tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường….
Mục tiêu cụ thể là hết năm 2020 các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong các hoạt động. Đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần nhằm hướng tới mục tiêu thực hiện trong toàn tỉnh, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Monre.gov.vn