Ngày 5/4, ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) dẫn đầu đoàn công tác đã có chuyến thực tế đảo cát dài 3 cây số nổi lên giữa biển Hội An (tỉnh Quảng Nam).
Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc hình thành cồn cát rộng lớn như vậy là hiện tượng rất phức tạp về mặt tự nhiên, nhất là tại khu vực cửa sông Thu Bồn và gần bờ biển Cửa Đại đang bị sạt lở nghiêm trọng. Do đó, đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai thực hiện quan trắc diễn biến hình thái của cồn cát mới xuất hiện. Qua đó, xây dựng bộ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, để không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái khu vực biển Cửa Đại.
“Với việc đã cắm mốc, trong thời gian đến, Tổng cục phòng chống thiên tai sẽ định vị và theo dõi cụ thể hơn các vị trí cắm mốc. Đồng thời, đơn vị sẽ thực hiện mua các tài liệu theo dõi qua vệ tinh về cồn cát này để có số liệu đánh gia chính xác nhất”- ông Thanh thông tin thêm.
Ông Lê Trí Thanh cho biết, qua nghiên cứu ban đầu, tỉnh Quảng Nam đề xuất có 2 phương án đưa ra vào lúc này. Thứ nhất, nếu chấp nhận sự tồn tại của bãi bồi này thì phải đánh giá được việc hình thành bãi bồi này trong tương lai. Sự hình thành bãi bồi có ảnh hưởng tiêu cực (hoặc tích cực) đến luồng tàu vào ra cửa Đại, đến môi trường cũng như tình trạng sạt lở bờ biển. Phải có giải pháp xử lý như thế nào đối với bãi cát này để tồn tại bền vững. Thứ 2, là xử lý cồn cát này. Nếu xử lý thì lượng cát lấy đi bao nhiêu là vừa, lấy cát đi để phục vụ vào việc gì.
Theo đánh giá quan trắc của các nhà khoa học thì trong thời gian 5 năm vừa qua, mỗi năm biển Cửa Đại mất khoảng 350 nghìn khối cát. Cát mất ở bờ biển Cửa Đại chủ yếu tập trung vào bãi bồi này. Trong phương án phục hồi bãi biển Cửa Đại có phương án bù cát. Nếu bù cát thì chắc chắn phải sử dụng lại nguồn cát từ biển Cửa Đại ra đi, đảm bảo tính kết dính bền vững bờ biển.
Các nhà nghiên cứu lo lắng nếu bù đắp lại thì bao nhiêu là vừa, và việc lấy cát ở bãi bồi này có ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực xung quanh, và lấy hết hay lấy từng phần…
Phó Giáo sư, tiến sĩ Mai Văn Công – Khoa Công trình (Trường Đại học Thủy lợi) đánh giá, nếu căn cứ vào quá trình vận chuyển bùn cát tự nhiên thì toàn bộ khu vực bờ biển phía Bắc của biển Cửa Đại bị sạt lở rất nặng. Nếu cứ đợi cho tự nhiên bồi hoàn lại khu vực bãi thì có lẽ khó thành hiện thực, và phải mất thời gian rất dài.
“Công nghệ hiện tại đưa cát từ biển vào bờ vẫn là nạo hút thôi, bơm theo đường ống đưa vào xả tại khu vực bãi dự kiến muốn tôn tạo. Cũng có thể hút lên xà lan sau đó vận chuyển vào xả lại khu vực bãi. Tùy theo vị trí đưa vào là chỗ nào, lấy tại đâu đưa vào vị trí nào thì cần phải đánh giá, nghiên cứu kỹ”- ông Mai Văn Công nói.
Ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống Thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, Tổng cục hiện đang theo dõi sát sao diễn biến của bãi bồi này, sau đó mới xác định được nguyên nhân hình thành từ đâu.
“Chúng ta phải xác định lại bãi bồi mới này tương tác với bờ như thế nào? Hiện chúng tôi đang cắm các mốc và bắt đầu đo vẽ bình đồ địa hình khu vực đảo này và xung quanh đảo để xác định xem diễn biến như thế nào rồi mới đưa ra giải pháp cho phù hợp”- ông Trần Quang Hoài khẳng định.
Trước đó, Báo TN&MT đã thông tin cồn cát xuất hiện tại biển Cửa Đại, TP. Hội An dài khoảng 1,5km, rộng 200m, cao hơn 2m so với mực nước biển, khối lượng cát khoảng 60 triệu m³. Khu vực hình thành cồn cát, người dân gọi là “đảo cát” cách bờ khoảng 2km.
Theo các nhà nghiên cứu thì việc xuất hiện cồn cát lớn như vậy có thể do tương tác giữa dòng chảy của sông và sóng ngoài biển đẩy vào.
Ngày 23/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT nghiên cứu, kiểm tra thông tin phản ánh việc xuất hiện đảo cát ở biển Hội An.
Theo baotainguyenmoitruong.vn