CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Sáng kiến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon

0

Sáng kiến này ra đời với mục tiêu giảm thiểu phát thải và đóng góp cho việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu cũng như suy giảm tầng ô-dôn thông qua việc giới thiệu những chính sách và công nghệ phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và tạo thêm việc làm chất lượng.

Các lĩnh vực hoạt động chính của Sáng kiến bao gồm: Hợp tác xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải các chất Fluorocarbons; Thúc đẩy kiểm kê các chất Fluorocarbons bao gồm HFC và phản ánh lượng khí thải đã được cắt giảm thông qua tái chế hoặc phá hủy HFC; Hợp tác với các cơ quan tài trợ đa phương về nâng cao năng lực để cải thiện khả năng tiếp cận các quỹ (ngoài các quỹ để thực hiện Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali); Tăng dòng tài chính cho việc quản lý vòng đời các chất Fluorocarbons bao gồm thông qua việc thúc đẩy đầu tư bền vững của khu vực tư nhân, các quỹ công và ngân hàng phát triển đa phương và tạo điều kiện công bố thông tin; Chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn cùng với thông tin khoa học và công nghệ mới nhất, đồng thời tăng cường hiểu biết về quản lý vòng đời các chất Fluorocarbons thông qua các hội nghị quốc tế và nghiên cứu dự án mẫu; Tăng cường quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và thúc đẩy đổi mới liên quan đến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbons, bao gồm xây dựng hệ thống thu gom (phục hồi) và xử lý (tái chế và phá hủy) các chất Fluorocarbons; Thúc đẩy nghiên cứu khả thi và các dự án trình diễn công nghệ, giới thiệu chính sách và đánh giá kinh tế nhằm giới thiệu hệ thống thu gom và xử lý, có thể thực hiện các dự án thí điểm dưới sự tài trợ các quỹ toàn cầu.

Sáng kiến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon được Nhật Bản phát động tại hoạt động bên lề trong khuôn khổ Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP25). Sáng kiến này hoạt động dựa trên sự tham gia tự nguyện của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, không đi kèm theo các nghĩa vụ và ràng buộc về pháp luật với các bên tham gia.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản, đến hết tháng 01 năm 2020, đã có hơn 20 quốc gia, tổ chức, công ty bày tỏ sự quan tâm như: Pháp, Singapore, Chi lê, Mông-gô-lia, Maldives, Niu Di lân, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Tập đoàn Panasonic, Daikin, Chermour, Hiệp hội Lạnh và điều hòa không khí Nhật Bản…

Nhật Bản sẽ giữ vai trò dẫn đầu trong việc thực hiện Sáng kiến này và sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ tài chính để tổ chức các cuộc họp liên quan trong đó bao gồm việc mời các chuyên gia và các bên tham gia.

Phía Nhật Bản đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc họp bên lề Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Montreal và Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về Biến đổi khí hậu. Các nội dung trao đổi tại cuộc họp sẽ giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, thực hành tốt nhất và cùng thảo luận về các dự án khả thi để cùng thiết kế và thực hiện trong tương lai.

Để trở thành thành viên của Sáng kiến về quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon, các quốc gia quan tâm cần gửi đơn chấp thuận chính thức tới Bộ Môi trường Nhật Bản. Thư này được ký bởi Người đứng đầu Chính phủ theo quy định của mỗi quốc gia thành viên.

Tham gia và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phải điều ước quốc tế.

Cơ quan đầu mối quốc gia: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các thành viên của sáng kiến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon có các quyền lợi sau đây: Có cơ hội tiếp cận chính sách và công nghệ cũng như các kinh nghiệm thực hành tốt nhất; Tạo cơ chế hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia trong việc quản lý vòng đời các môi chất lạnh Fluorocarbon; Tăng cường cơ hội tiếp cận hỗ trợ tài chính từ các quỹ tài trợ đa phương.

Các thành viên của Sáng kiến này có nghĩa vụ như sau: Không bắt buộc các nghĩa vụ thành viên và đóng góp về tài chính đối với tất cả các thành viên tham gia; Chỉ mang tính chất hợp tác để đề xuất các dự án cụ thể, với sự hỗ trợ của phía Nhật Bản.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.