CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Sản phẩm, dịch vụ ATTT Make in Vietnam sẵn sàng cho chuyển đổi số

0

Theo đại diện VNISA, các tham luận của doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 nhằm truyền đi thông điệp: Sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam sẵn sàng bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chuyển đổi số quốc gia.

Yếu tố then chốt trong chuyển đổi số

Kế hoạch tổ chức Hội thảo và triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm nay vừa chính thức được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) thông báo.

Đây là sự kiện thường niên lần thứ 13 do VNISA chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT và Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng – Bộ Quốc phòng tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.

Diễn ra vào ngày 2/12 tới, sự kiện này có chủ đề “An toàn, an ninh mạng Make in Vietnam – Yếu tố then chốt trong chuyển đổi số quốc gia” và được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Sản phẩm, dịch vụ ATTT Make in Vietnam sẵn sàng cho chuyển đổi số
Hội thảo và triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 dự kiến có sự tham dự của 500 đại biểu tại hội trường và khoảng 1.500 – 2.000 khách theo dõi trực tuyến (Ảnh minh họa)

Ngoài các đại biểu tham dự tại Hà Nội, Ban tổ chức sẽ truyền hình trực tiếp toàn bộ chương trình hội thảo đến các điểm cầu chính là các bộ, ngành, địa phương trong cả nước và một số điểm cầu tại khu vực Đông Nam Á (khoảng 200 điểm cầu) và khách đăng ký theo dõi trực tuyến.

Theo VNISA, dự kiến thu hút đông đảo cộng đồng an toàn, an ninh thông tin trong nước và quốc tế, hội thảo và triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động làm chủ công nghệ và sử dụng sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Trong chương trình hội thảo kéo dài cả ngày 2/12, bên cạnh phiên toàn thể, còn có 4 phiên chuyên đề. Các diễn giả đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ tập trung thảo luận về: An toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số; Giải pháp an toàn, an ninh mạng cho hạ tầng số và nền tảng số;

Nền tảng điện toán đám mây Việt Nam an toàn phục vụ phát triển Chính phủ số; An toàn, an ninh mạng cho chuyển đổi số các lĩnh vực quan trọng; Bảo mật dữ liệu số và chia sẻ dữ liệu  an toàn; Chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế – xã hội và vấn đề an toàn, an ninh mạng.

Đại diện VNISA cho biết: Các tham luận của doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo cũng sẽ truyền đi thông điệp: Sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam sẵn sàng bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chuyển đổi số quốc gia.

Sản phẩm, dịch vụ ATTT Make in Vietnam sẵn sàng cho chuyển đổi số
Kết quả phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam sẽ được đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT báo cáo tại hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 (Ảnh: Trọng Đạt)

Cũng theo chương trình, Báo cáo kết quả phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam sẽ được đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cập nhật tại hội thảo. “Phát triển và làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia” là một trong những nhiệm vụ Bộ TT&TT được Chính phủ giao tại Nghị quyết 01 ngày 1/1/2020.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, tính đến tháng 10/2020, hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam đã có 68 sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, cung ứng ra thị trường, đáp ứng hơn 70% chủng loại sản phẩm an toàn thông tin quan trọng.

Sắp công bố các nền tảng đám mây Make in Vietnam đạt tiêu chuẩn

Một điểm nhấn của hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 là lễ công bố các nền tảng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin mạng phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.

Trong chia sẻ tại tọa đàm “Thúc đẩy điện toán đám mây Make in Vietnam” do báo VietNamNet phối hợp với Cục An toàn thông tin tổ chức ngày 24/11, Phó Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch cho biết, hạ tầng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam đang được Bộ TT&TT định hướng phát triển.

“Bộ TT&TT đã xác định, nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng viễn thông thế hệ mới trong vòng 5 – 10 năm tới. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng xác định nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng số cho phát Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”, ông Lịch cho hay.

Để phát triển các nền tảng điện toán đám mây Việt Nam theo đúng định hướng và bài bản, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã ban hành bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử.

Bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây gồm tổng cộng 153 tiêu chí, với 84 tiêu chí về tính năng nền tảng điện toán đám mây cần đáp ứng và 69 tiêu chí về an toàn, an ninh thông tin. Theo ông Lịch, một nền tảng điện toán đám mây đạt 153 tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật này là một nền tảng cung cấp dịch vụ hiện đại và an toàn.

Trên cơ sở bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật đã ban hành, Bộ TT&TT tiến hành đánh giá các nền tảng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Các nền tảng điện toán đám mây Make in Vietnam được công bố tại hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 là những nền tảng đã đáp ứng được bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật nêu trên.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo, sẽ diễn ra lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các đội sinh viên đạt giải cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020.

Diễn ra song song với hội thảo, triển lãm Ngày an toàn thông tin Việt Nam năm nay gồm gần gần 30 gian hàng, giới thiệu các giải pháp công nghệ an toàn thông tin tiên tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo ICTNews

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.