(TN&MT) – Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh rộng hơn 76.660 ha được UBND tỉnh Quảng Nam quyết định chuyển thành Vườn quốc gia để quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn, tiến tới xây dựng khu cứu hộ động vật hoang dã của miền Trung – Trường Sơn.
Ngày 20/12, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương đã quyết định về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn quốc gia Sông Thanh.
Theo đó, Vườn quốc gia Sông Thanh nằm trên địa bàn 12 xã của huyện Nam Giang và huyện Phước Sơn. Phía bắc giáp quốc lộ 14D, chạy từ Thạnh Mỹ theo hướng đông tây đến cửa khẩu Đắc Ốc (Việt – Lào), tiếp giáp lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Giang. Phía nam giáp tỉnh Kon Tum (tại đỉnh đèo Lò Xo – quốc lộ 14), giáp lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam. Phía đông được giới hạn bởi đường phân thủy của 2 hệ thống sông Thanh và sông Cái chảy qua địa phận thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn). Phía tây giáp Lào.
Vườn quốc gia sông Thanh rộng hơn 76.000 ha, với hơn 830 loài thực vật bậc cao sinh sống |
Tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia Sông Thanh là 76.669,68 ha, gồm nhiều phân khu chức năng. Cụ thể, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (58.225,98ha) có chức năng bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên vẹn toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng, cảnh quan và các tài nguyên sinh học, đảm bảo diễn thế tự nhiên của các hệ sinh thái; thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng; hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.
Phân khu phục hồi sinh thái (18.367,20ha) có chức năng bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng; phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục đa dạng sinh học và các giá trị khác của khu rừng; thực nghiệm, nghiên cứu lâm sinh, động, thực vật và địa chất thủy văn; phát triển du lịch sinh thái.
Phân khu dịch vụ – hành chính (76,50ha) có chức năng đảm bảo các hoạt động về quản lý hành chính, xây dựng nhà làm việc, trạm bảo vệ rừng, vườn thực vật, bảo tàng, trung tâm nghiên cứu về động, thực vật rừng; tổ chức các cơ sở phục vụ dịch vụ nghiên cứu khoa học, tham quan, dịch vụ.
Vùng đệm của Vườn quốc gia Sông Thanh gồm 40 thôn, bản nằm trên địa bàn 13 xã giáp ranh với vườn quốc gia thuộc 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn. Trong đó, phần vùng đệm trong gồm khu vực thôn Pê Ta Póc nằm trên địa bàn xã Đắc Pring (Nam Giang); phần vùng đệm ngoài gồm khu vực 39 thôn, bản nằm trên địa bàn các xã: Đắc Pring, Đắc Pre, Đắc Tôi, La Dêê, Tà Pơơ, Chà Vàl, Tà Bhing, Cà Dy (Nam Giang) và xã Phước Công, Phước Xuân, Phước Mỹ, Phước Đức, Phước Năng (Phước Sơn).
Chủ tịch UBND tinh Quảng Nam (ngoài cùng, bên trái) trong một lần kiểm tra công tác bảo vệ rừng Vườn quốc gia sông Thanh |
Vùng đệm nhằm bảo tồn các giá trị tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội bền vững; góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ quốc phòng – an ninh, phát triển du lịch và phát triển bền vững trong khu vực.
Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với ngành TN&MT và các cấp để triển khai các hoạt động bàn giao ranh giới, xây dựng hệ thống cột mốc trên bản đồ và ngoài thực địa. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chuẩn bị các phương án và quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Việc thành lập vườn quốc gia nhằm bảo vệ rừng tốt hơn, tiếp tới xây dựng khu cứu hộ động vật hoang dã của miền Trung – Trường Sơn. Vườn có chức năng bảo tồn các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học, các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển du lịch.
Các nhà chuyên môn ghi nhận nơi đây có hơn 830 loài thực vật bậc cao, trong đó 23 loài đặc hữu của Việt Nam; 49 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong rừng, hệ động vật rất đa dạng, gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống.
Nguồn baotainguyenmoitruong.vn