Trong những năm gần đây, môi trường làng nghề đang nổi lên như một vấn đề nóng hổi, cấp bách. Cùng với việc gia tăng phát triển cả về số lượng làng nghề và loại ngành nghề, ô nhiễm môi trường cũng ngày càng tăng lên, nhiều nơi vượt quá tầm kiểm soát của các cấp chính quyền. Nhận thức được vấn đề này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, trong đó quy định vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề.
Trách nhiệm của các bên liên quan
Ở góc độ văn bản qui phạm pháp luật, Luật Bảo vệ môi trường các năm 2005, 2014, 2020 và hàng loạt văn bản dưới luật đã nêu trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của các bên liên quan trong công tác BVMT làng nghề từ trung ương đến địa phương. Một số địa phương có làng nghề cũng chú ý đến việc ban hành các văn bản liên quan nhằn cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ ở địa phương mình.
Mới đây nhất, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra các điều kiện bảo vệ môi trường đối với làng nghề, các cơ sở sản xuất tại làng nghề, cùng với đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường làng nghề,
Cụ thể, Điều 56 về bảo vệ môi trường làng nghề quy định, làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường, hạ tầng bảo vệ môi trường (bao gồm hạ tầng thu gom nước thải, chất thải rắn)
Các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
UBND cấp xã chịu trách nhiệm lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn và hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề. Trong khi đó, UBND cấp huyện tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề và chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề. Đồng thời, đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Kiểm tra chất lượng nước thải làng nghề tại Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội)
UBND cấp tỉnh sẽ đứng ra quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn. Cấp tỉnh phải đứng ra chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề. Bên cạnh đó, có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề.
Các vấn đề trong về bảo vệ môi trường làng nghề cũng được quy định rõ trong chương III của Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Cụ thể, đó là điều kiện về BVMT làng nghề; đánh giá, phân loại làng nghề theo mức độ ô nhiễm môi trường; biện pháp quản lý đối với làng nghề ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; trách nhiệm thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề; trách nhiệm của tổ chức tự quản về BVMT làng nghề và các cơ sở trong làng nghề.
Thời gian qua, mặc dù đã đạt những kết quả nhất định, nhưng thực tế triển khai công tác quản lý môi trường làng nghề vẫn đang còn nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ quản lý khác nhau. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến môi trường tại nhiều làng nghề hiện nay chưa thể cải thiện, có nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý môi trường tại các làng nghề.
Bảo vệ môi trường góp phần nâng cao vai trò của làng nghề
Để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững của nước ta trong các giai đoạn sắp tới, các làng nghề cần được định hướng phát triển bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, góp phần xóa dói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn.
Việc phát triển sản xuất kinh doanh tại các làng nghề cần kết hợp hài hòa bảo vệ môi trường, hướng tới cải thiện môi trường. Sự hài hòa thể hiện ở việc không hy sinh lợi ích môi trường, đồng thời, các lợi ích từ sản xuất, kinh doanh cần được chia sẻ cho hoạt động bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững chung của làng nghề, bao gồm cộng đồng dân cư đang sinh sống xung quanh.
Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quan điểm của Đảng và Nhà nước coi bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và của mọi người. Bởi vậy, bảo vệ môi trường làng nghề cũng phải là trách nhiệm chung của chính quyền các cấp, địa phương, của cộng đồng sản xuất, kinh doanh và của cộng đồng dân cư làng nghề.
Bảo vệ môi trường làng nghề giúp cải thiện môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới
Chính quyền các cấp ở địa phương có vai trò chủ động trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trường, chính sách, pháp luật của Đảng Nhà nước về bảo vệ môi trường, hỗ trợ và dẫn dắt các hoạt động bảo vệ môi trường ở làng nghề. Bản thân các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề phải thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo luật định (thuế, phí BVMT, quy chuẩn môi trường…) và chia sẻ trách nhiệm cải thiện môi trường với cộng đồng dân cư xung quanh. Trong khi đó, vai trò của cộng đồng dân cư làng nghề không chỉ giới hạn ở sự tự giác ý thức, nhận thức về BVMT mà còn ở trong hành động cùng tham gia các hoạt động BVMT ở địa phương.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề cần phải áp dụng tổng hợp các giải pháp quản lý như ban hành chính sách, pháp luật về BVMT làng nghề, quy hoạch môi trường, quan trắc, kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề, giáo dục nâng cao nhận thức kết hợp với các giải pháp kỹ thuật như áp dụng sản xuất sạch hơn, xử lý ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần chú ý kết hợp các biện pháp mang tính chất khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường và các biện pháp, chế tài nhằm hạn chế, ngăn cấm các hành vi gây tổn hại tới môi trường làng nghề.
Nguồn: monre.gov.vn