(TN&MT) – Phân loại rác thải, trồng cây xanh, rau sạch, tự làm nước rửa chén sinh học từ vỏ rau, củ, quả thừa… những hành động thiết thực của phụ nữ Đà Nẵng góp phần lan tỏa phong trào sống xanh, thân thiện với môi trường.
Chiều cuối tuần, tiếng nói cười rộn ràng giữa khu dân cư 8, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, những người phụ nữ cùng nhau phân loại rác thải, phế liệu được các hộ dân tự giác mang đến.
Bà Phan Thị Hải Lý – Chi hội trưởng Phụ nữ 8, phường An Hải Bắc chia sẻ: Từ năm 2007, phong trào “Thu gom, phân loại rác thải” đã được triển khai trong chi hội với mục đích bán gây quỹ tổ chức trung thu cho các cháu nhỏ. Hàng tuần, không quản ngại mưa nắng, bà Lý đi khắp khu dân cư, gọi cửa từng nhà, thậm chí vào tận bếp để thu gom rác từ chai nhựa, vỏ lon, báo, giấy… rồi bán phế liệu. Ban đầu, người quen của bà cũng lời ra tiếng vào, nào nói bà rảnh, ăn mặc vậy mà đi nhặt rác, “mua việc” vào người. Nhưng bà bỏ ngoài tai hết, bởi bà có đủ nhiệt huyết với các hoạt động, với môi trường nên bà nhủ, mình làm được. Số tiền thu được từ bán rác tái chế sẽ dùng để làm quỹ từ thiện giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có thành tích xuất sắc…
Phân loại rác thải sau khi thu gom để bán phế liệu |
Chính cách sự tận tụy, “mưa dầm thấm lâu” như vậy mà đến nay, việc phân loại rác tại nguồn đã trở thành nếp, thành thói quen của mọi người, mọi nhà ở đây. Rác tái chế được các hộ gia đình tự giác mang đến tập kết tại 3 điểm bố trí sẵn ở khu dân cư. Mỗi tháng hai lần, bà Lý gọi chủ vựa phế liệu đến bán. Đợt nào nhiều thì gần 800.000 đồng, đợt ít thì hơn 300.000 – 400.000đồng.
Lần nào bán xong, bà Lý cũng ghi chép cẩn thận số ký bán được, số tiền thu được vào một cuốn sổ riêng. Đến nay, tổng nguồn quỹ thu được từ hoạt động phân loại rác của Chi hội Phụ nữ 8 tồn dư đến 19 triệu đồng.
“Để thu hút hội viên và từng bước thay đổi nhận thức của chị em trong công tác bảo vệ môi trường, điều quan trọng là người đứng đầu chi hội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tích cực trong nhận thức và hành động để thu hút chị em noi theo. Bản thân tôi ngoài sự đam mê, nhiệt tình với phong trào, mình cũng cần sáng tạo ra để duy trì hiệu quả nhân văn của phong trào vừa bảo vệ môi trường vừa giúp đỡ gia đình khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau”- bà Lý chia sẻ.
Các chị tận dụng rác thải gia đình (vỏ củ, quả), ủ thành nước rửa chén bát, góp phần lan tỏa mô hình sống xanh trong cộng đồng. |
Bên cạnh phong trào “Thu gom, phân loại rác thải”, Chi hội 8 tích cực cùng với các chị em trong toàn phường trồng rau sạch, tận dụng rác thải gia đình (vỏ củ, quả), ủ trong một tháng để làm thành nước lau nhà, nước rửa chén bát, không những an toàn cho sức khỏe mà còn giúp lan tỏa mô hình sống xanh, hành động xanh trong cộng đồng. Trên sân thượng của mỗi gia đình ở khu dân cư 8, các chị em đều tận dụng những thùng xốp, thau chậu cũ trồng cây, trồng rau sạch. Chỉ tay vào những luống rau lang, rau ngót, những cây ớt, cây cà tím đang cho trái, bà Lý nói thêm: “Chỉ cần bỏ chút công sức chăm bón, chắc chắn sẽ có một vườn rau ưng ý”.
Là một trong những thành viên nòng cốt của mô hình, bà Ngô Thị Tám, Hội viên Chi hội 8, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà chia sẻ: Hội LHPN phường phát động phong trào “sống xanh” trong các cấp hội, tôi quyết định ủ vỏ một số loại quả như cam, chanh, thơm, sả với đường… để tạo ra nước rửa chén, nước lau nhà thuận với tự nhiên. Nước rửa chén của bà Tám ngoài cung cấp cho nhu cầu hằng ngày còn mang cho người thân cùng sử dụng.
“Thay vì dùng hóa chất, chị em chúng tôi lựa chọn các sản phẩm thiên nhiên. Chúng tôi dùng rau củ quả thừa làm phân bón trồng rau sạch, tự ủ men để làm nước rửa chén, bát rồi cho bà con, làng xóm. Đừng nghĩ phải làm điều gì đó lớn lao mới là bảo vệ môi trường, mà môi trường sẽ thay đổi tích cực hơn từ những hành động nhỏ của mỗi con người”- bà Tám cho hay
Đại diện Hội LHPN quận Sơn Trà cho biết, xây dựng lối sống xanh, Hội đã phát huy hiệu quả mô hình “Thu gom phế liệu” trong nhiều năm liền. Đến nay, có 137/171, Chi hội phụ nữ thực hiện thu gom và bán gây quỹ hằng năm trên 150 triệu đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương, qua đó tạo sự lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, góp phần giảm một lượng lớn nguồn rác còn khả năng tái chế ra môi trường sống hiện nay.
Xây dựng lối sống xanh, Hội LHPN Sơn Trà đã phát huy hiệu quả mô hình “Thu gom phế liệu” trong nhiều năm liền. |
Ngoài ra, các cấp Hội triển khai mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilong và sản phẩm nhựa 1 lần” bằng nhiều hình thức như phát động chị em đi chợ bằng giỏ, khuyến khích hội viên không nên sử dụng nước uống đóng trong chai thay vào đó sử dụng bình thủy tinh/inox để thay thế các sản phẩm nhựa 1 lần. Thực hiện các mô hình “tận dụng” và “tái chế”: Tận dụng vải bạt may túi, tận dụng thùng sơn để tái chế thành thùng đựng rác, tái chế chai nhựa và bìa các-tông thành hộp bút, đồ chơi cho trẻ em…
Trong thời gian tới, Hội LHPN quận Sơn Trà tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn và nói không với rác thải nhựa trong cộng đồng dân cư”; nhân rộng mô hình “Thùng rác môi trường”… Phấn đấu vận động 80% hộ gia đình thực hiện mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” nhằm giảm khối lượng rác phát sinh, tiết kiệm chi phí vận chuyển và dễ xử lý; lựa chọn địa điểm phù hợp để đặt các thùng chứa rác thải sinh hoạt tại các tuyến đường, nơi công cộng, các cơ quan, trường học trên địa bàn quận, phục vụ cho việc phân loại rác thải tại nguồn.
Theo baotainguyenmoitruong.vn