CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường

0

Thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường: Trong năm 2018 đã có 11 dự án, quy hoạch đã thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; 469 dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; 16 cơ sở được phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết,…

Bên cạnh đó, nhiều dự án, hoạt động đầu tư đã thực hiện đăng ký cam kết cam kết bảo vệ môi trường; 105 dự án được cấp trung ương xác nhận hoàn thành, chưa kể nhiều dự án, hoạt động đầu tư đã thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Thông qua công tác đánh giá môi trường chiến luộc, đánh giá tác động môi trường, các chiến lược, quy hoạch phát triển đã có sự điều chỉnh các định hướng phát triển, bố trí không gian phát triển và đầu tư phù hợp hơn về môi trường; hầu hết các dự án đầu tư đã được yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, trong đó tập trung vào các giải pháp công trình phòng và ứng phó sự cố môi trường, giám sát môi trường của dự án, đặc biệt đối với các dự án thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

Trong năm, toàn ngành đã tiến hành 1.977 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 5.478 tổ chức, cá nhân; trong đó có 607 cuộc thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra 255 cơ sở trên địa bàn 25 tỉnh/thành phố,xử phạt vi phạm hành chính đối với 104 cơ sở với tổng số tiền 20.659 triệu đồng, đình chỉ hoạt động bộ phận phát sinh chất thải đối với 12 cơ sở; tiến hành 02 đoàn thanh tra đột xuất và xử phạt vi phạm với tổng số tiền hơn 03 tỷ đồng đối với 05 cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ Công an và công an tại địa phương đã phát hiện 24.642 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 27% so với năm 2017); đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đề nghị khởi tố 367 vụ, 639 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 20,969 vụ với số tiền 284,066 tỷ đồng; đang điều tra 1.618 vụ, 1.429 đối tượng.

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Đến nay đã có 288/435 cơ sở có tên theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 66,21%, tăng 79 cơ sở tương ứng với 14,62% so với năm 2017 .

147 cơ sở đang thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, trong đó có 113 cơ sở (chiếm 76,9%) thuộc khu vực công ích. Một số địa phương có nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để là Đồng Nai, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội, Sơn La, Tây Ninh, Thái Nguyên…; bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều địa phương việc thực hiện xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn còn chậm, không bảo đảm tiến độ đề ra .

Kiểm soát, giám sát chặt chẽ về môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất lớn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường kiểm soát đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trong đó lồng ghép bộ tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam, thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các dự án, cơ sở lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục kiện toàn và duy trì tốt hoạt động của các tổ giám sát đối với các cơ sở, dự án lớn như: Nhà máy sản xuất Alumnia Nhân Cơ, Tân Rai, Formosa Hà Tĩnh, Lee&Man, Lọc hóa dầu Nghi Sơn v.v.; tiếp tục rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Một số Bộ, ngành, địa phương có nhiều dự án lớn (Bộ Công Thương; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Quốc phòng; thành phố Hà Nội; các tỉnh: Hậu Giang, Bình Dương, Nghệ An..) cũng đã chủ động rà soát các dự án, nhà máy thuộc phạm vi quản lý để có yêu cầu, chấn chỉnh phù hợp các biện pháp bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải” góp phần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải.

Tăng cường quản lý môi trường khu vực tập trung nhiều nguồn thải

Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có chuyển biến tích cực. Đến nay, trên phạm vi cả nước, đã có 221/251 khu công nghiệp, khu chế xuất (ngoài khu kinh tế) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đạt 88,05% (tăng 8,05% so với năm 2017), đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó các địa phương có số lượng khu công nghiệp lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh…tỷ lệ này đều đạt 100%

Đối với các khu công nghiệp còn lại, các doanh nghiệp, cơ sở nằm trong khu công nghiệp này đã tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt QCVN quốc gia về môi trường trước khi xả ra môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đã có 121/251 khu công nghiệp đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt tỷ lệ trên 42%. Đã tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường 06 khu kinh tế ven biển phục vụ cho việc xây dựng hướng dẫn quy hoạch các công trình bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế ven biển. Nhìn chung, nhiều địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, một số địa phương đã bước đầu thực hiện việc phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình thu hút đầu tư thông qua việc lựa chọn những ngành nghề, dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.

Cụm công nghiệp: Cả nước hiện có 689 cụm công nghiệp đang hoạt động trên phạm vi cả nước, trong đó có: 276 cụm công nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 160 cụm công nghiệp có hệ thống tách nước mưa và nước thải; 109 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tử lệ 15,8%, tăng 58 cụm so với năm 2017; 10 cụm công nghiệp có hệ thống quan trắc tự động nước thải.

Làng nghề, khu vực nông thôn: Theo dõi, giám sát chặt chẽ danh mục 160 làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; thực hiện lồng ghép, phê duyệt phương án, đề án bảo vệ môi trường cho các làng nghề trên địa bàn (như thành phố Hà Nội, các tỉnh: An Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…), triển khai thực hiện các nội dung tiêu chí về môi trường để xem xét, công nhận nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, cả nước đã có 4.144 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 1024 xã so với năm 2017; 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 03 địa phương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đồng Nai (133/133 xã); Nam Định (193/193 xã) và Đà Nẵng (11/11 xã); tỷ lệ số xã đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới tiếp tục được cải thiện.

Xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt: Để giải quyết tình trạng ô nhiễm của nước thải đô thị, trên địa bàn cả nước đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đã được các địa phương quan tâm đầu tư, tổ chức thực hiện. Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ nước thải ở các đô thị loại IV trở lên được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định đạt 12,5% với 45 nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung đô thị đang được khai thác với tổng công suất thiết kế đạt 959.000 m3/ngày đêm (tăng 05 nhà máy với trên 30.000 m3 so với năm 2017), vận hành tại 29/63 địa phương (tăng 03 địa phương so với năm 2017), đạt tỷ lệ 46% các địa phương có cơ sở xử lý nước thải tập trung đô thị (Xem Biểu đồ 12).

Lưu vực sông: Công tác quản lý môi trường các lưu vực sông có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vấn đề xung đột, ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương phối hợp, tìm phương án giải quyết; kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường trên hệ thống kênh Bắc Hưng Hải; làm việc trực tiếp với một số địa phương trên lưu vực sông Cầu, Nhuệ – Đáy để đôn đốc thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường lưu vực sông.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.