CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Phát hiện nhiều động vật quý hiếm

0

Đây là những phát hiện mới có ý nghĩa trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Lần đầu ghi nhận loài chim quý ở miền Trung

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trong quá trình kiểm tra thực địa tại vùng cửa sông Ô Lâu, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, một nhóm nghiên cứu phát hiện và ghi nhận 14 cá thể chim quý có tên Quắm đen sinh sống. Đây là lần đầu tiên ghi nhận loài chim quý này tại miền Trung.

Theo nhóm nghiên cứu, trước đây, loài chim này chỉ được ghi nhận là loài định cư hiếm tại Nam Bộ và lang thang qua Đông Bắc. Hiện nay, Quắm đen được đánh giá có quần thể suy giảm, tại Việt Nam chỉ còn ghi nhận nhiều tại một số khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long như Vườn Quốc Gia Tràm Chim (Đồng Tháp); Đất Mũi (Cà Mau); các sân chim Bạc Liêu và khu Bảo tồn thiên nhiên Láng sen (Long An).

Việc lần đầu tiên ghi nhận loài Quắm đen cho thấy khu vực cửa sông Ô Lâu, Đầm Phá Tam Giang – Cầu Hai có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư.

Quắm đen là một trong những loài chim nằm trong họ Cò quăm (Threskiornithidae), bộ Bồ Nông (Pelecaniformes). Đây là một trong những họ hiện ghi nhận nhiều loài chim quý hiếm trong Danh mục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Quốc Tế (IUCN) cũng như Sách đỏ Việt Nam như: Cò thìa Platalea minor, Quắm đầu đen Threskiornis melanocephalus, Quắm lớn Pseudibis gigantea, Quắm cánh xanh Pseudibis davisoni.

Loài Quắm đen được ghi nhận tại khu vực sông Ô Lâu. Ảnh: Theo Hồ Thắng

Phát hiện đàn voọc bạc tại rừng Chư Mom Ray

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) cho biết, vừa phát hiện một đàn voọc bạc quý hiếm tại cánh rừng Ya Mô, huyện Sa Thầy thông qua hệ thống “bẫy ảnh.”

Voọc bạc hay còn gọi là voọc Đông Dương, có tên khoa học là Trachypithecus germaini caudalis, phân bố vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam, loài động vật này được ghi nhận có mặt từ vùng Đông Bắc Việt Nam cho đến vùng rừng Trường Sơn và một số khu vực ở Nam Bộ.

Voọc bạc được xác định là đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức sẽ nguy cấp. Số lượng loài này được cho là đã suy giảm hơn 50% trong vòng 36 năm qua dưới tác động của việc săn bắt và mất nơi cư trú. Chúng có giá trị khoa học cao, là đối tượng nghiên cứu khoa học, nuôi làm vật thí nghiệm nghiên cứu vaccine phục vụ đời sống con người.

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hiện có gần 58.500ha rừng, chủ yếu là rừng tự nhiên. Đây là nơi có tính đa dạng sinh học cao và có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực Đông Dương.

Theo các kết quả điều tra, giám định các mẫu vật thu được và kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu, đến nay đã ghi nhận sự có mặt của hơn 1.000 loài động vật thuộc 6 lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá, côn trùng; trong đó, có 112 loài quý, hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và Thế giới (IUCN) cần ưu tiên bảo tồn.

Phát hiện mới tại ven bờ Côn Đảo và đảo Thổ Chu

Mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu và công bố 5 loài mới cho khoa học và một ghi nhận mới cho khu vực ven bờ tại Côn Đảo và đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang). Nghiên cứu này đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xếp loại xuất sắc với 4 bài báo quốc tế thuộc các Tạp chí khoa học tự nhiên và kỹ thuật (danh mục SCI, SCIE).

Nhóm nghiên cứu đã định loại được 67 loài tuyến trùng thuộc 26 họ trong 7 bộ tại Côn Đảo; 100 loài, dạng loài tuyến trùng, 81 giống thuộc 29 họ và 6 bộ tại Thổ Chu.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Tứ cho biết nghiên cứu đã bước đầu thành công trong xây dựng bức tranh tổng thể về đa dạng sinh học quần xã động vật đáy không xương sống cỡ trung bình và tuyến trùng sống tự do ở các hệ sinh thái tại khu vực nghiên cứu. Dữ liệu phân tử của gen ty thể COI đã được thiết lập cho các loài tuyến trùng biển sống tự do tại khu vực ven bờ tại Côn Đảo và đảo Thổ Chu.

Trích nguồn monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.