CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Phân loại rác tại nguồn – những kỳ vọng mới: Điểm sáng từ Đà Nẵng

0

(TN&MT) – Hiện đã có 78% tổng số hộ gia đình, 83% tổng số Tổ dân phố trên địa bàn TP. Đà Nẵng tham gia PLRTN, bước đầu giảm áp lực đối với việc xử lý chất thải rắn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Huy động sự chung tay của người dân

Sáng Chủ nhật hằng tuần, đại diện Chi bộ, Mặt trận, hội, đoàn thể khu dân cư (KDC) Thuận An 5, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê lại đẩy xe thu gom rác tái chế dọc các tuyến đường, kiệt, hẻm thu gom các loại giấy, vỏ lon, chai nhựa… từ các hộ gia đình. Số rác này được đưa về tiếp tục phân loại để bán cho các đơn vị phế liệu. Toàn bộ số tiền bán phế liệu được công khai và đưa vào quỹ của KDC nhằm phục vụ các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo. Để duy trì, phát triển hoạt động này, những người đứng đầu Chi bộ KDC đã tập hợp, gắn kết, vận động người dân cùng tham gia, quyết tâm xây dựng KDC văn minh.

8.1.jpg

KDC Thuận An 5 phân loại rác thải để bán phế liệu xây dựng quỹ giúp trẻ em nghèo

Ông Đặng Văn Thi – Bí thư Chi bộ KDC Thuận An 5 chia sẻ: Tới nay, toàn bộ 109 hộ trong KDC đều thực hiện phân loại rác hiệu quả. Để có những tín hiệu tích cực và ý thức PLRTN tốt như hiện nay là cả quá trình kiên trì vận động, thuyết phục.

“Thông qua các cuộc sinh hoạt Chi bộ, Tổ dân phố và các tổ chức đoàn thể, thông qua phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, đặc biệt, chúng tôi phân công trực tiếp nhiệm vụ cho 9 thành viên của “Tổ tuyên truyền dự án Đại dương không nhựa” phụ trách và đi tới gõ cửa từng hộ dân để vận động mọi người chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng thành công mô hình “KDC thân thiện môi trường” từ năm 2019 tới nay”, ông Thi nói.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP. Đà Nẵng), sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND thành phố về kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác) tại nguồn, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa tích cực, đặc biệt thu gom hơn 1.760 tấn rác tái chế. Hiện đã có 78% tổng số hộ gia đình, 83% tổng số tổ dân phố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tham gia PLRTN.

Có được kết quả này, một phần nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến từng xã, phường, từng cấp phụ nữ, đoàn viên thanh niên. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ thu gom rác như cấp gần 300.000 túi phân loại rác tại từng hộ gia đình, trang bị 141 thùng phân loại rác cấp cho phường, xã; bố trí thùng rác 2 ngăn trên đường phố; xây dựng 4 trạm trung chuyển rác, đã hoàn thành 1 trạm. Đây là thành phần quan trọng trong quy trình thu gom và xử lý rác.

Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án, Đà Nẵng – Thành phố môi trường tiếp tục xây dựng Đề án giai đoạn 2 với những tiêu chí rất cao như: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt quy chuẩn đến năm 2025 phải đạt 95% và đến 2027 là 97%; tỷ lệ chất thải nguy hại phải được thu gom đúng quy định đạt 100%, tỷ lệ hộ dân PLRTN đến năm 2025 đạt 90%… Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ tiếp cận với khái niệm đô thị sinh thái đáng sống.

Tận dụng nguồn lực quốc tế

Thời gian qua, thành phố đã xúc tiến 9 dự án hợp tác quốc tế hỗ trợ Đà Nẵng quản lý chất thải rắn, PLRTN, quản lý rác thải nhựa… với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2024. Trong đó có thể kể đến sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với dự án “Thúc đẩy PLRTN và tái chế rác thải (3R) tại thành phố Đà Nẵng trong khuôn khổ chương trình hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của JICA tại thành phố Yokohama (Nhật Bản).

8.2.jpg

TP. Đà Nẵng có gần 80% số hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải.

Đặc biệt, Sở TN&MT và Tổ chức Phi chính phủ Quốc tế iDE tại Việt Nam đã ký kết triển khai thực hiện Dự án Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam. Dự án này do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ với tổng kinh phí 34,6 tỷ đồng, triển khai tại 3 quận Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Một trong những mục tiêu đáng lưu ý của dự án là xây dựng cơ chế hợp tác giữa cơ quan chức năng và 125 cơ sở thu mua phế liệu và doanh nghiệp tái chế tác thải nhựa ReForm. Trong đó, Doanh nghiệp Tái chế Rác thải nhựa ReForm (trụ sở chính tại TP. Đà Nẵng) thực hiện hoạt động nghiên cứu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm tái chế cùng với Công ty Thương mại Oceanworks (Hoa Kỳ).

Trên cơ sở này, Dự án đặt mục tiêu phấn đấu tổng giá trị đơn đặt hàng nhựa từ Việt Nam qua các doanh nghiệp kết nối khoảng 1,8 triệu USD và sẽ có khoảng 10 công ty mua nhựa tái chế từ Việt Nam thông qua dự án.

Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng là địa phương rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường, trong đó, phân loại rác thải tại hộ gia đình là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Việc này được địa phương triển khai từ rất sớm.

Việc PLRTN được địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân và đặc biệt là trách nhiệm của các địa phương. Ngoài ra, thời gian qua, từ việc triển khai thí điểm tại một số phường ở Thanh Khê và Hải Châu, đã có nhiều mô hình được nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố, qua đó, huy động được sự vào cuộc của các tổ chức xã hội từ Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh đến đoàn viên thanh niên… tạo hiệu ứng tốt để thực hiện PLRTN.

Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.