(TN&MT) – Năm 2025 là thời điểm Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các điều khoản về phân loại rác tại nguồn (PLRTN) nói riêng có hiệu lực. Dù kết quả phân loại còn hạn chế, tuy nhiên, kế thừa nền tảng cũ, cùng với sự quan tâm, đóng góp xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn của các tổ chức, cá nhân, chúng ta có quyền hy vọng về một chương tươi sáng mới.
Vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, hạn chế ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, không khí…, vừa tạo ra nguồn nguyên liệu thay thế tài nguyên gốc – tài nguyên thiên nhiên và tạo nguồn điện năng… đó là đa lợi ích từ việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN). Thế nhưng, sau nhiều năm, câu chuyện phân loại rác vẫn còn bề bộn.
Những mô hình dang dở
Từ nhiều năm trước, một số địa phương đã triển khai chương trình PLRTN, tuy nhiên, việc phân loại còn bỏ ngỏ. Một phần bởi các mô hình chưa thiết lập thành chuỗi quy trình phân loại trong thu gom, chưa triển khai đồng bộ theo bộ công cụ chung mà mới thực hiện thí điểm tại một số khu vực thuộc một vài đô thị lớn.
Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, từ những năm 2017, thành phố đã triển khai phân loại rác với lộ trình từng bước rõ ràng. Thế nhưng, kết quả thu về không được bao nhiêu bởi công tác tuyên truyền và triển khai chưa đồng bộ; thành phố mới dừng ở tuyên truyền, vận động mà chưa theo sát hướng dẫn, kiểm tra; các hộ gia đình/chủ nguồn thải chưa hoàn toàn chủ động phân loại.
Tại Hà Nội, cách đây 15 năm cũng đã từng rầm rộ ra quân dự án 3R bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, dự án cũng chỉ duy trì được một thời gian. Nguyên nhân do chưa có sự chuẩn bị đầu tư trang thiết bị đáp ứng sau phân loại; quy trình, công nghệ xử lý rác chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó, một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm…
Ở một số xã nông thôn mới, mô hình PLRTN dù được ưu tiên nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện hiệu quả. Có địa phương thời gian đầu người dân hưởng ứng khá tốt, nhưng sau đó, nhiều hộ bỏ ngang vì lý do chậm thu gom. Nhiều hộ gia đình không hợp tác hoặc chỉ thực hiện khi có hỗ trợ kinh phí. Một số địa phương ban đầu còn đồng hành, phát túi phân loại, nhưng sau do thiếu nguồn kinh phí nên dừng lại…
Còn chờ lời giải
Vướng mắc lớn nhất hiện nay, không gì khác, chính là vấn đề nhận thức và tư duy. Trong một trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), ông Nguyễn Hữu Tiến – Tổng Giám đốc Urenco cho biết: “Cơ bản người dân đang có chung một quan niệm cái gì không dùng được thì vứt đi, và cái bị vứt đi đó gọi nôm na là rác mà không nhận ra chúng ta đang đánh đồng khái niệm rác. Bởi trong rất nhiều cái gọi là rác đó lại đang chứa đựng một nguồn lợi kinh tế rất lớn, đòi hỏi có sự nhận thức để thay đổi quan niệm, tư duy, từ đó thay đổi hành động, tạo thói quen phân loại rác để biến rác thành nguồn thu nhập cho chính chủ nguồn thải, tạo môi trường sống ít bị tác động bởi áp lực của rác. Chính vì chúng ta chưa nhận thức đúng đắn nên chúng ta đang đặt sự tiện lợi nhỏ lên hàng đầu. Đa phần người dân đang thải bỏ nhiều và không phân loại chúng”.
Có rất nhiều yếu tố chi phối hành vi của người dân. Trước tiên là vấn đề giáo dục pháp luật và ý thức bảo vệ môi trường chưa trở thành bắt buộc, toàn diện, nền tảng và thường xuyên. Sát sườn nhất là giáo dục về Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 45 quy định xử phạt vi phạm môi trường vẫn đang như “cưỡi ngựa xem hoa” ở một số địa phương. Tuy nhiên, một trong những lý do chậm tuyên truyền, chậm triển khai lại được địa phương và cơ quan liên quan đưa ra, đó là: “Chờ hướng dẫn cụ thể hơn mới tuyên truyền”.
Hướng dẫn cụ thể hơn là gì? Nếu suy từ Luật và Nghị định ra, có rất nhiều chi tiết cần làm rõ: Giá xác định đối với chủ nguồn thải được tính theo khối lượng và thể tích ra sao? Túi để đo thể tích và công cụ để xác định cân nặng thế nào? Tài chính để trang bị túi, thùng phân loại ở đâu? Phụ cấp cho lực lượng tuyên truyền, lực lượng giám sát là từ nguồn nào? Không gian cho các điểm đặt thùng thu gom, trung chuyển?
Bên cạnh đó, các hình thái dân cư và nếp sinh hoạt, thói quen ăn uống cũng là vấn đề hiện nay. Vùng miền núi cao ít người, vùng đông dân cư, đồng bằng, ven biển và đô thị, mỗi địa hình, hình thái dân cư cần có một mô hình khác nhau. Nan giải nhất vẫn là các đô thị lớn, đây là vùng khó áp dụng các hình thức phân loại do diện tích hẹp, mật độ dân số cao, kể cả dân số định cư và bất định cư. Hoặc những khu tập thể cũ, các khu chia tách căn hộ, cơi nới,… nhiều gia đình không sẵn sàng diện tích cho việc đặt thùng rác để phân loại.
Cũng tại các khu đô thị đông dân cư tập trung như chung cư, khu tập thể, hẻm nhỏ, có thực thi không trong việc thu gom rác tận hộ gia đình? Và nếu không thu gom tại hộ gia đình mà thu gom tập trung thì ai sẽ là người giám sát? Công cụ nào cho việc giám sát khi một số hộ gia đình không thực hiện phân loại? Khi đó, liệu có đủ bằng chứng để thu từ chối thu gom không và hệ lụy sẽ ra sao?
Lâu nay, có một số ý kiến cho rằng, người phân loại cứ phân thành 2, 3; cơ sở thu gom lại dồn thành 1. Điều này có nhưng do khách quan đưa lại. Bởi nếu không dồn chung xe thì 3 loại rác phải có 3 loại xe chuyên chở khác nhau, gây áp lực cho giao thông. Còn tích hợp loại xe 3 trong 1 cũng phải có thời gian chuẩn bị và kinh phí đầu tư, và quan trọng, đơn vị thu gom cũng chờ thông tư hướng dẫn chung và hướng dẫn của địa phương để triển khai. Khi chưa có hướng dẫn, sẽ rất khó cho việc “chuyển mình” từ phía đơn vị thu gom.
Lộ trình chuẩn bị vẫn còn đang khẩn trương. Vậy nên, có những khó khăn vẫn chờ lời giải.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/