CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Phản ánh về tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, nước biển dâng, triều cường

0

Cử tri phản ánh tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, nước biển dâng, triều cường như hiện nay, cử tri rất lo lắng vì không lường trước được hậu quả, nhất là đối với người dân sống vùng ven biển. Đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng đảm bảo an toàn cho người dân

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, triều cường đã và đang trở thành thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, nhất là ở khu vực ven biển; chúng gây ra các biến động không có lợi về môi trường, mất đa dạng sinh học, phá huỷ hệ sinh thái, làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng khốc liệt, gây sạt lở bờ biển, ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình và đời sống của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững các khu vực ven biển nước ta. Một trong những giải pháp ứng phó là đầu tư, xây dựng, củng cố các công trình hạ tầng ven biển thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, để đảm bảo việc quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ, trong đó có việc phòng chống, giảm thiểu hiện tượng sạt lở bờ biển, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện:

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật như Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trong đó quy định nhiều biện pháp tổng thể để phòng chống, giảm thiểu hiện tượng sạt lở bờ biển như: triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, lập và thực hiện Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Nội dung các quy hoạch này cũng như yêu cầu của việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, thực hiện các chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ bao gồm các yêu cầu, định hướng, giải pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…; góp phần hạn chế, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra tại các địa phương có biển.

Đã xây dựng, trình Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/1018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những mục tiêu của Chiến lược là về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó yêu cầu “Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển”.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17/12/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì triển khai thực hiện, trong đó bao gồm các nhiệm vụ, giải pháp góp phần hạn chế, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển. – Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 26 – 27/9/2017; ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển như: xây dựng Đề án bảo vệ bờ biển, củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, phòng chống xói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng; tập trung xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm sử dụng hiệu quả số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, nhất là đối với các dự án kiểm soát mặn, kiểm soát lũ, xử lý các đoạn sạt lở xung yếu; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư hiện có để xây dựng hệ thống cống điều tiết lũ, ngăn mặn, khắc phục các đoạn sạt lở nghiêm trọng, trực tiếp gây ảnh hưởng đến nhà cửa của nhân dân và bảo vệ đất, rừng ngập mặn ven biển…

Ngày 7/11/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cả trong trước mắt và lâu dài. – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” theo Quyết định số 47/2006/QĐTTg ngày 01/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 47).

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 47 đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý về tài nguyên, môi trường biển nói chung cũng như việc phòng chống, giảm thiểu hiện tượng sạt lở bờ biển nói riêng như: đã khoanh định được các khu vực kém ổn định về địa chất công trình, đồng thời đã xác định các quá trình địa chất động lực công trình như hiện tượng ngập lụt, xói lở và bồi tụ; kiến nghị định hướng các giải pháp bảo vệ, khai thác vùng cửa sông, ven biển như: (1) Định hướng đề xuất các biện pháp xây dựng hệ thống đê ngăn cát giảm sóng bảo vệ bờ; (2) Đề xuất xây dựng đập hướng dòng, chắn sóng, chắn bùn cát tập trung dòng chảy tạo điều kiện giải phóng dần các bãi bồi chắn cửa, hạn chế sự bồi lấp tăng khả năng thoát lũ, tạo luồng giao thông; (3) Đề xuất nghiên cứu trồng cây chống sóng và ngăn cát bay, cát nhảy, ổn định bờ hạn chế sự phá hoại của sóng tràn; (4) Đề xuất các khu vực cần nuôi bãi nhân tạo, khôi phục lại vùng bờ biển bị xói, sạt; (5) Cung cấp tài liệu cơ bản phục vụ điều chỉnh bổ sung tuyến đê biển kết hợp giao thông, tuyến đê biển kết hợp an ninh quốc phòng…

Để phòng chống, khắc phục tình trạng sạt lở trong thời gian tới đòi hỏi các ngành, các cấp cần: tiếp tục triển khai đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng tình hình xâm thực, diễn biến sạt lở bờ biển, bồi lấp, trước mắt cần có giải pháp cấp bách, bảo vệ an toàn cho người dân; ưu tiên đầu tư công trình xây dựng chống sạt lở bờ biển ở những nơi sạt lở nghiêm trọng; triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nghiên cứu, áp dụng các mô hình thông minh có khả năng thích ứng, chống chịu với và tác động tiêu cực của sạt, lở bờ biển; đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, xói lở bờ biển; các địa phương khẩn trương hoàn thành việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.