CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải, khí thải của các hộ chăn nuôi, rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nhức nhối

0

hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải, khí thải của các hộ chăn nuôi, rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Cử tri tiếp tục đề nghị các cấp, các ngành chức năng có những biện pháp hữu hiệu và căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng trên; nghiên cứu mô hình lò đốt rác tập trung phù hợp với vùng nông thôn. Bên cạnh đó hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản sử dụng hóa chất, hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp; thu gom, xử lý rác thải;… đang là vấn đề hết sức báo động mà cần có chủ trương, đường lối toàn diện. Cử tri đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước; kiểm tra chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm, hủy hoại môi trường nhằm bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường từ việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra và chậm được khắc phục tại một số nơi như kiến nghị của cử tri. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tổng thể nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nêu trên, cụ thể:

Một là, xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm hạn chế, khắc phục các hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Bảo vệ môi trường  hiện hành và các Luật có liên quan, kịp thời điều chỉnh các vấn đề quản lý mới phát sinh. Rà soát lại toàn bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tiến hành sửa đổi các quy chuẩn bảo đảm tiệm cận với quy chuẩn của các nước tiên tiến, trên cơ sở đó xem xét ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật của địa phương phải cao hơn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các khu xử lý rác thải, bãi chôn lấp, các nguồn thải lớn có xả thải ra các lưu vực sông và các sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa.

Ba là, tiến hành phân vùng để áp dụng công nghệ xử lý tích hợp đối với từng nguồn nước. Với những nguồn nước đã và đang bị ô nhiễm, sớm nghiên cứu, áp dụng công nghệ cải tạo phù hợp. Bên cạnh đó, phải chú trọng công tác xử lý tại nguồn thông qua việc triển khai thực hiện tốt quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung.

Bốn là, tăng cường nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, biện pháp xử lý chất thải rắn tiên tiến. Song song với đó cần chú trọng nâng cao ý thức cho người dân về phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn.

Năm là, không cho phép các dự án đầu tư chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, biện pháp quản lý chất thải rắn đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trườngđi vào hoạt động; các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có xả thải ra nguồn nước phải đảm bảo xử lý nước thải theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước.

Sáu là, thực hiện lộ trình đưa các cơ sở sản xuất trong làng nghề di dời vào các cụm công nghiệp để có thể tập trung thu gom và xử lý chất thải. Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nước thải, chất thải trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn tại khu vực nông thôn.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.