Theo CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng, thách thức lớn nhất trong xây dựng thương hiệu “Make in Vietnam” chính là định kiến người Việt không thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh với các nước hàng đầu thế giới. Nếu thay đổi định kiến này, 10 năm tới Việt Nam có thể phát triển bùng nổ và 15 năm tiếp theo có thể trở thành cường quốc về công nghệ.
Trung tuần tháng 5/2019, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” đã được Bộ TT&TT tổ chức thành công. Với tuyên bố chung “Make in Vietnam – Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”, diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ vì một Việt Nam hùng cường, tạo nên khát vọng một dân tộc hóa rồng vào năm 2045.
Ở góc độ của một doanh nghiệp công nghệ đã bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghệ Việt trong hơn 10 năm qua, nói về tương lai của “Make in Vietnam”, ông Nguyễn Tử Quảng – Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bkav nhận định, cơ hội để Việt Nam phát triển dựa vào khoa học công nghệ là rất lớn.
Tuy nhiên theo ông, đây là cơ hội chung của thế giới. Cả thế giới cùng xuất phát điểm. Điều đó là thuận lợi, nhưng cũng là sự cạnh tranh cũng vô cùng lớn. Do đó, nếu thực hiện không bài bản thì Việt Nam sẽ rất khó để bứt phá.
Người đứng đầu Bkav cũng cho biết, để thực hiện “Make in Vietnam” các doanh nghiệp khoa học công nghệ rất cần sự thúc đẩy mạnh mẽ của Chính phủ. “Một điều quan trọng không kém là Việt Nam cần xóa bỏ định kiến là người Việt Nam không thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh với những nước hàng đầu trên thế giới. Nếu thay đổi định kiến đó, trong 10 năm tới Việt Nam có thể phát triển bùng nổ và trong 15 năm tiếp theo, có thể trở thành cường quốc về công nghệ. Dựa vào KHCN để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường không phải không thể”, ông Nguyễn Tử Quảng nêu quan điểm.
Nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy đối với việc hiện thực hóa khát vọng, định hướng “Make in Vietnam”, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng khẳng định: nếu muốn khoa học công nghệ là động lực phát triển của quốc gia thì không thể thiếu vai trò của chính sách.
Thực tế trong hơn 10 năm qua Bkav đã làm, nhưng chính sách chưa thực sự thuận lợi để các doanh nghiệp bùng nổ. Trước đây, các doanh nghiệp vẫn phải tự mình vận động và gần như chưa có sự hỗ trợ của nhà nước. Trong khi tại các nước phát triển dựa trên khoa học công nghệ như Đài Loan, Hàn Quốc, hay gần đây nhất là Trung Quốc… thì vai trò của chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước đứng sau là rất lớn.
“Tuy nhiên, cũng cần nói rõ là doanh nghiệp phải tốt rồi, Nhà nước tạo điều kiện để thúc đẩy doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp làm việc, chứ không phải doanh nghiệp dựa dẫm vào Nhà nước”, người đứng đầu Bkav nói rõ thêm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm gian hàng của Bkav tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019 được Bộ TT&TT tổ chức ngày 9/5 vừa qua. |
Mặt khác, theo phân tích của ông Quảng, xã hội hiện nay đang phát triển rất nhanh. Những công ty công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu nếu không chịu cải tiến và nắm bắt cơ hội. Minh chứng cho nhận định của mình, người đứng đầu Bkav lấy ví dụ trường hợp Nokia từng đứng ở vị trí số 1 thế giới nhưng sau một thời gian đã bị bật ra khỏi số 1; hay gần đây Samsung cũng có dấu hiệu tụt hậu.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình, ông Quảng cho biết, khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong quá trình xây dựng thương hiệu “Make in Vietnam” chính là định kiến Việt Nam là nước chưa phát triển thì không thể cạnh tranh với các nước hàng đầu. “Đặc biệt, đây là định kiến của cả xã hội thì không thể thay đổi một sớm một chiều mà phải là một công việc trường kỳ”, người đứng đầu Bkav chia sẻ.
Khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra là cơ hội, vận hội lớn cho những nước như Việt Nam, ông Quảng phân tích, Việt Nam có thị trường rộng lớn, lại trong một thế giới phẳng và kết nối, nên chúng ta có thể sử dụng nguồn lực của cả thế giới. Vấn đề là có sáng tạo hay không (!?).
“Kết quả 10 năm qua của Bkav đã là ví dụ điển hình để khẳng định điều này. Giống như việc Bkav ở Việt Nam, một đất nước đang phát triển, nhưng vẫn có thể làm ra những sản phẩm công nghệ cao như Bphone, những sản phẩm tương tự như Apple, Samsung đang làm và cũng có thể làm việc với các đối tác giống như Apple, Samsung. Làm được điều đó là do kết nối phẳng. Và trong thế giới phẳng này, mọi điều sẽ trở nên thuận lợi hơn. Chúng ta phải nắm lấy cơ hội này”, vị CEO Bkav nói.
Chia sẻ thêm về hành trình hơn 10 năm Bkav xây dựng các sản phẩm thương hiệu “Make in Vietnam”, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng cho biết, sau 10 năm cung cấp miễn phí, năm 2005, Bkav bắt đầu thương mại hóa phần mềm diệt virus Bkav với kỳ vọng sẽ có nguồn lợi nhuận để tái đầu tư mở rộng sự hỗ trợ đến cộng đồng.
Trong 10 năm cung cấp miễn phí, Bkav chỉ có một mục đích là làm được việc hữu ích cho xã hội. Sau khi thương mại hóa, chúng tôi nhận thấy mình có thể làm tốt hơn thế. Việt Nam có thể sản xuất sản phẩm công nghệ cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn công nghệ thế giới.
Năm 2009, Bkav quyết định tham gia vào sản xuất smartphone. Đây là một cơ hội để Bkav phát triển trở thành một tập đoàn công nghệ, nhưng lớn hơn nữa, đây cũng là một cơ hội lớn để khẳng định năng lực của con người Việt Nam: Việt Nam có thể sản xuất những sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới để cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ hàng đầu và lần này là một sản phẩm hữu hình, có thể cầm nắm, dễ cảm nhận hơn là phần mềm.
“Tôi kỳ vọng lần này tôi có thể thuyết phục người Việt Nam tin vào năng lực của chính mình. Và đến nay, càng thấy rõ hơn phát triển đất nước bắt buộc phải dựa vào khoa học công nghệ. Việc Bộ TT&TT thúc đẩy chủ trương “Make in Vietnam” sẽ giúp các doanh nghiệp khoa học công nghệ tự tin hơn trong việc phát triển doanh nghiệp trong xu thế cạnh tranh toàn cầu”, ông Quảng chia sẻ.
Theo ICTNews