CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

“Người nước ngoài đến Việt Nam nhặt rác, tại sao mình không?”

0

Trăn trở này đã thôi thúc Giang Thị Kim Yến – một trashpacker (người nhặt rác) đi tiên phong trong phong trào nhặt rác tại Việt Nam, dù nhiều người vẫn chửi chị “khùng”.

“Tại sao mình không nhặt rác?”

21h tối, Giang Thị Kim Yến (36 tuổi) mới được ngả lưng sau bữa cơm chay muộn mà người bạn nấu cho sau một ngày dọn rác ở đoạn kênh tại chợ Lộc Ninh, Bình Phước – quê hương chị. Bữa tối của Yến thường xuyên lệch giờ như thế, có những hôm, chị còn không thể ngủ được, chỉ vì rác.

“Hôm nay có 7 người cùng dọn rác với mình, làm từ 8 rưỡi sáng, trưa nghỉ một chút rồi lại tiếp tục làm đến tận tối”, chị Yến kể. Con kênh tại chợ Lộc Ninh dài khoảng 1km, mỗi ngày như vậy, “đoàn” của chị Yến dọn được 200m. Gọi là “đoàn” nhưng số tình nguyện viên trong “đoàn” không cố định, có thể nhiều hoặc ít hơn tùy vào công việc của họ.

“Con kênh này nguy hiểm lắm, lại cạnh chợ nên hôi thối, người ta xả xuống kênh đủ thứ. Có cả kim tiêm, lưỡi lam, hôm nay tụi mình vớt được cả xác một con chó, giòi bọ nhiều vô kể”, Yến vừa nói vừa khẽ rít lên. Chị bị ngứa vì ngâm chân dưới lòng kênh ô nhiễm mấy tiếng đồng hồ liền. Việc cả ngày phải thở bằng miệng để tránh thứ mùi thối khủng khiếp bốc lên khiến chị thi thoảng bị ho.

Cuối năm ngoái, trong một lần đi công tác, tình cờ Yến gặp anh bạn người Hà Lan. Cảm hứng “đi đâu cũng nhặt rác” để bảo vệ môi trường của anh bạn này khiến chị suy nghĩ “người nước ngoài còn đến Việt Nam nhặt rác, tại sao mình không?”. Thế rồi, cùng với Trashpackers trên khắp thế giới, Yến khởi xướng Trashpackers Việt Nam, tuyên truyền và nhân rộng phong trào này ra gần 30 tỉnh thành với khoảng 1.000 tình nguyện viên, ở mọi độ tuổi.

Các tình nguyện viên Trashpackers Việt Nam. Ảnh: BY

Yến cùng em gái chị, Giang Thị Kim Cúc – người đồng hành số 1, cũng là một trashpacker – không phải là người rảnh. Họ có cuộc sống riêng tại Sài Gòn, có công việc kinh doanh nhưng gác tất cả lại để làm cái việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” mà nhiều người nhìn vào nói hai chị em “khùng điên”, rồi thì “nhặt xong người ta lại xả rác thôi”.

“Mình buồn lắm, có người bạn nói với mình đừng làm công việc này nữa rồi hỏi mình có bị khùng không? Lúc dọn rác, nhiều người dân nhìn thấy tụi mình đang cặm cụi dọn, họ chỉ đứng xem. Mình không nản, mình nhặt rác là để lan tỏa tinh thần cho mọi người, truyền cảm hứng. Cuộc chiến với rác còn là cuộc chiến dài, bảo vệ môi trường là bảo vệ đất nước mình”, chị Yến cương quyết.

 Những dấu chân đẹp có cả mồ hôi và máu

Những tình nguyện viên của Trashpackers Việt Nam đang thực hiện đúng với slogan của nhóm: “Để lại những dấu chân đẹp”. Dấu chân của Yến không chỉ ở nơi chị sinh ra, mà còn ở Đà Lạt, Nha Trang. Chị nhặt rác ở tất cả những chỗ chị đặt chân đến.

Hay với những tình nguyện viên của Trashpackers Việt Nam, nơi họ đi qua, trước và sau đều sạch bóng rác, từ Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đà Nẵng đến Hồ Chí Minh, Bình Phước, An Giang…

Mấy ngày qua, khi thế giới rộ lên thử thách dọn rác, các thành viên Trashpackers Việt Nam vừa mừng vừa tủi. Mừng vì hành động rất có ích cuối cùng cũng được tuyên truyền như một phong trào thực thụ, tủi vì ở Việt Nam, hành động này chưa thực sự ăn sâu vào ý thức của đông đảo người dân.

Hình ảnh đoạn kênh ở chợ Ninh Lộc sau khi được nhóm của chị Yến dọn dẹp sạch sẽ. Ảnh: BY

Đằng sau những bức hình before – after thành quả của các Trashpackers Việt Nam là cả một quá trình vất vả, có cả mồ hôi, nước mắt và máu. “Hôm qua, có một bạn trong lúc đốt rác bị lửa táp vào bị bỏng. Một bạn khác bị ngã khi leo dây xuống dòng kênh để dọn rác, chảy máu tay”, chị Yến nói đây chỉ là số ít trong những sự cố mà các tình nguyện viên dọn rác thường gặp phải.

Tuy vậy, người phụ nữ nhỏ bé vẫn nhẫn nại gõ cửa khắp các nơi để nhờ sự giúp đỡ, tuyên truyền, và hạnh phúc với thành quả của một ngày dọn rác: “Hôm nay nghe chửi nên mít ướt, bị “xối nước vô mặt”, bị thờ ơ, bị dè bỉu, bị cười khẩy… nhưng cuối ngày thấy thành quả là mãn nguyện hạnh phúc”.

Biết ơn bầu khí quyển cho mình được hít thở.

Biết ơn thiên nhiên cây cỏ cho mình được xanh mát.

Biết ơn mọi điều thế giới ban tặng.

– trích Facebook của chị Giang Thị Kim Yến –

Theo Dân Việt

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.