Trong những năm gần đây, chính sách kinh tế mở cửa của Nhà nước và sự phát triển nền kinh tế của đất nước đã khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục trở lại và nhiều làng nghề mới ra đời, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam, mang lại nhiều hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết lao động dư thừa tại các địa phương …Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, các làng nghề của Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là các ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng do hoạt động sản xuất của làng nghề gây ra. Đa phần các làng nghề Việt Nam được hình thành và phát triển một cách tự phát, với công nghệ lạc hậu và thiết bị đơn giản, thủ công, hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu thấp. Vì vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường các làng nghề ở nông thôn đang là vấn đề cần được quan tâm và giải quyết.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề hiện đang bức xúc, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề đã và đang nhận được sự quan tâm của Quốc hội và Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao là cơ quan đầu mối triển khai công tác BVMT đối với làng nghề, thường xuyên cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội, Chính phủ về thực trạng công tác BVMT làng nghề.
Năm 2013-2016, Tổng cục Môi trường – đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ môi trường làng nghề” nhằm tạo ra một công cụ giúp các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường quản lý, thu thập, tổng hợp, xử lý và công bố thông tin về môi trường làng nghề một cách kịp thời (tham khảo bài viết http://ceid.gov.vn/xay-dung-co-so-du-lieu-ve-bao-ve-moi-truong-lang-nghe/).
Một trong những kết quả mà nhiệm vụ đã đạt được đó là xây dựng được phần mềm hỗ trợ quản lý CSDL về BVMT làng nghề khá đầy đủ các chức năng cần thiết phục vụ cho công tác BVMT của làng nghề. Trong đó có danh mục của hơn 2000 làng nghề và 76 cơ sở sản xuất trong làng nghề đáp ứng được các tính năng cơ bản tra cứu, thống kê dữ liệu, hiển thị bản đồ.
Năm 2019, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường – đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường được giao nhiệm vụ nâng cấp và làm mới một số tính năng của phần mềm nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý về môi trường làng nghề trong bối cảnh mới, khi cách tiếp cận về vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề của người dân, cơ quan quản lý ngày càng yêu cầu chặt chẽ và hiệu quả. Các chức năng được nâng cấp như: Bổ sung nội dung quản lý kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường làng nghề ra khỏi khu dân cư tại từng địa phương; Bổ sung các chức năng: nhập thông tin làng nghề, thông tin cơ sở sản xuất từ file dữ liệu có cấu trúc; Nâng cấp tính năng tra cứu nâng cao; Nâng cấp một số tính năng thống kê; Xây dựng mới chức năng kết xuất các báo cáo thống kê(thống kê làng nghề không có hệ thống xử lý chất thải, thống kê các làng nghề có lượng nước thải trong miền giá trị tra cứu, làng nghề có lượng chất thải rắn trong miền giá trị tra cứu), báo cáo hiện trạng môi trường của làng nghề/ cơ sở sản xuất, các báo cáo số liệu làng nghề theo tỉnh, theo vùng và theo loại hình sản xuất làng nghề.
Bên cạnh việc nâng cấp các chức năng của phần mềm quản lý CSDL về BVMT làng nghề, Trung tâm còn bổ sung và cập nhật dữ liệu liên quan đến BVMT làng nghề: cập nhật danh mục 47 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý giai đoạn 2011-2015; danh mục làng nghề ô nhiễm cần xử lý giai đoạn 2016-2020; làng nghề đáp ứng điều kiện về BVMT; làng nghề có phương án BVMT; làng nghề có tổ tự quản về BVMT; danh mục các làng nghề được công nhận và các làng nghề truyền thống được công nhận…
Việc quản lý công tác BVMT đối với làng nghề hiện đang còn rất nhiều bất cập và khó khăn, điển hỉnh như: kết cấu hạ tầng nông thôn (hệ thống đường sá, thoát nước, xử lý nước thải …) còn yếu kém; quy mô và công nghệ sản xuất nhỏ, lạc hậu; nhận thức về công tác BVMT còn hạn chế …dẫn đến làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, cảnh quan bị phá vỡ.
Hệ thống CSDL về BVMT làng nghề được nâng cấp và cập nhật đầy đủ sẽ trở thành một công cụ hữu ích và tập trung trong việc quản lý công tác BVMT làng nghề. Từ đó sẽ có những quy hoạch, kế hoạch và các phương án cụ thể nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
CEID