CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng chính phủ số ở Việt Nam

0

Chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số là một chủ trương lớn và vẫn còn nhiều mới mẻ, truyền thông chính sách trên môi trường số lại càng như vậy.

Chuyển đổi số, chính phủ số là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học – công nghệ. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu về chuyển đổi số và mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số là rất quan trọng và cấp thiết. Việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đối số ở Việt Nam hiện nay là góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống. Cụ thể:

Thứ nhất, cần quán triệt trong toàn xã hội nhận thức về đổi mới phương thức truyền thông chính sách là một tất yếu gắn liền với quá trình xây dựng chính phủ số ở Việt Nam. Trong thời đại bùng nổ thông tin, với nhiều tính năng, tác dụng rất hiện đại của các trang thiết bị máy móc khác nhau, nếu mỗi người không tích cực, chủ động thay đổi thói quen cũ, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn công việc thì không thể có những bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội mà làm được điều này phụ thuộc trước hết vào nhận thức và quyết tâm chính trị của đội ngũ những nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành, địa phương, sau nữa là sự sẵn sàng của người dân và doanh nghiệp để đảm bảo việctiếp cận thông tin nhanh hơn, thông suốt hơn, hiệu quả hơn. Khi đã thống nhất được nhận thức về tính tất yếu của chính phủ số trong quá trình chuyển đổi số, sự cần thiết khách quan của việc đổi mới phương thức truyền thông về các chính sách của nhà nước, hiệu quả truyền thông chính sách chắc chắn sẽ được cải thiện và nâng cao hơn, đồng thời dễ đo được mức độ hiệu quả của các kênh truyền thông chính sách trong thực tế. Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đã chỉ rõ 6 quan điểm, trong đó quan điểm thứ nhất là: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”, nhấn mạnh “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức”(1), mà chìa khóa để đẩy nhanh sự chuyển đổi nhận thức nằm ở trong tư duy, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và mọi người dân, chính vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề này trong toàn xã hội.

Thứ hai, cần có những thể chế chính thức bao gồm cả các quy định pháp lý cũng như các thiết chế phù hợp để đảm bảo hiệu quả truyền thông chính sách gắn với xây dựng chính phủ số. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh việc: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế”(2). Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách là một yêu cầu lớn, một nội dung quan trọng, là mũi nhọn mang tính đột phá để chuyển đổi số dẫn đến xây dựng thành công chính phủ số, từ đó giúp đơn giản hóa các thủ tục và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong đó có hoạt động truyền thông chính sách. Khi đã có các quy định chính thức về pháp lý, cùng với các thiết chế cụ thể thực hiện công tác truyền thông chính sách trên môi trường số, hoạt động truyền thông chính sách sẽ được tiến hành chủ động hơn với những nội dung và thông điệp thiết thực hơn, bám sát hơn nhu cầu và yêu cầu của các đối tượng công chúng.

Nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng chính phủ số ở Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  - Ảnh 1.Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan trưng bày ảnh các tác phẩm đoạt giải tại Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII. Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN

Thứ ba, cần chuẩn bị những điều kiện phù hợp để truyền thông chính sách hiệu quả trong môi trường số. Chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số là một chủ trương lớn và vẫn còn nhiều mới mẻ, truyền thông chính sách trên môi trường số lại càng như vậy. Do đó, để đảm bảo hiệu quả truyền thông, cần chú ý đến các điều kiện để truyền thông chính sách, trong đó bao gồm cả các yếu tố về hạ tầng cơ sở, hạ tầng thông tin, môi trường thông tin, các nguồn lực về tài chính và đặc biệt là nguồn lực con người bao gồm cả chủ thể truyền thông cũng như đối tượng truyền thông chính sách. Đại hội XIII đã chủ trương: “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”(3). Cụ thể là “Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin; hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất. Phát triển hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin”(4). Nhân tố con người luôn là nhân tố có tính quyết định với quá trình đổi mới, Đại hội XIII cũng chủ trương: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”(5). Muốn xây dựng và vận hành chính phủ số, phải có những con người của thời đại chuyển đổi số; muốn truyền thông chính sách hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số, cũng cần có những con người luôn sẵn sàng đổi mới, bao gồm cả chủ thể truyền thông cũng như đối tượng truyền thông chính sách. Có làm được điều này mới đảm bảo mục tiêu chuyển đổi số là vì nhân dân, chính phủ số là để phục vụ nhân dân, truyền thông chính sách trong môi trường số là để nâng cao nhận thức và cơ hội tiếp cận của người dân về chính sách.

Thứ tư, cần nghiên cứu, học tập mô hình và tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số và truyền thông chính sách trên môi trường số để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động này ở Việt Nam. Chuyển đổi số dù còn đang mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã được phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại nhiều tác động tích cực cho hoạt động của các cơ quan nhà nước. Dù không thể rập khuôn mô hình hay kinh nghiệm của các quốc gia nhưng việc nghiên cứu để tìm ra những giá trị có tính tham khảo, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, từ cả kinh nghiệm thành công và chưa thành công của các quốc gia là việc làm có ý nghĩa đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, vừa giúp củng cố thêm cơ sở khoa học và quyết tâm chính trị cho quá trình chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số của Việt Nam, vừa giúp chúng ta có thêm căn cứ thực tiễn để lựa chọn cách thức, mô hình phù hợp với đất nước mình.

Chuyển đổi số, chính phủ số, truyền thông số rõ ràng đã là một xu thế tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp. Những biến đổi của thực tiễn càng làm cho xu hướng này bộc lộ rõ nét hơn với nhiều biểu hiện sinh động hơn cả về nội dung và hình thức gắn với những phương tiện mới, công cụ mới, cách thức mới. Việc nhận thức đúng đắn xu thế này để có những bước chuẩn bị một cách chủ động, tích cực và sáng tạo là yêu cầu quan trọng đảm bảo thành công trên mặt trận mới này. Những tín hiệu hiện nay cho thấy Việt Nam đã và đang nhận thức đúng, xác định và thực hiện đúng lộ trình để sớm xây dựng và vận hành chính phủ số, tạo cơ sở để thúc đẩy hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách trong môi trường mới động hơn, linh hoạt hơn. Tất nhiên, để thành công, chúng ta cần những nỗ lực mang tính đồng bộ, hệ thống với một quyết tâm chính trị rất cao cùng một nhận thức thông suốt trong toàn xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Tuấn Anh: Đẩy mạnh chuyển đổi số theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, đăng ngày 9/8/222.

2. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

3. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

4. Hiền Minh: Phải chia sẻ và kết nối để vượt thách thức của chuyển đổi số, https://baochinhphu.vn/phai-chia-se-va-ket-noi-de-vuot-thach-thuc-cua-chuyen-doi-so-102284361.htm, truy cập ngày 15-10-2022.

5. Thủ tướng Chính phủ: “Quyết định Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, truy cập ngày 15/1/2020./.


(1) Thủ tướng Chính phủ: “Quyết định Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, truy cập ngày 15 – 10 – 2022.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.132.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 54.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.123.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 232-233.

Theo ictvietnam

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.