CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Mười kỹ năng để trở thành “Siêu giáo viên” trong thời đại 4.0

0

Geoff Sokol là một chuyên gia tư vấn giáo dục quen thuộc với nhiều bạn trẻ Việt Nam. không chỉ trực tiếp giảng dạy tiếng Anh mà còn cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

Geoff Sokol thường xuyên đưa ra những lời khuyên giúp bạn trẻ Việt rèn luyện kỹ năng tiếng Anh, giao lưu với bạn bè quốc tế, tìm kiếm học bổng và cơ hội làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Geoff cũng hỗ trợ các giáo viên nước ngoài tìm kiếm công việc và hoàn thiện hồ sơ làm việc tại Việt Nam.

Geoff Sokol (Thứ hai từ trái sang) là một chuyên gia tư vấn giáo dục quen thuộc với nhiều bạn trẻ Việt Nam.

Mới đây, trên kênh youtube cá nhân, chuyên gia này đã đúc kết 10 kỹ năng mà các giáo viên – đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh – cần trau dồi để đạt được thành công trong thời đại 4.0.

1. Kỹ năng Marketing

Marketing là hoạt động quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ. Kỹ năng Marketing không chỉ quan trọng trong việc quảng bá tên tuổi của bạn, mà còn giúp bạn truyền tải kiến thức cho học sinh một cách dễ dàng hơn.

Một giáo viên thành thạo kỹ năng Marketing sẽ biết cách tối ưu để truyền đạt thông điệp của bài giảng tới học sinh, biết cách gợi mở cho học sinh vận dụng kiến thức vừa học.

2. Kỹ năng Đàm phán

Trong thời đại hiện tại, học sinh năng nổ hơn, hoạt bát hơn và cái “tôi” cũng lớn hơn ngày xưa.

Không nên lạm dụng những lời la mắng và hình phạt. Thay vào đó, hãy lắng nghe, thảo luận và thỏa thuận với học sinh của mình. Điều này giúp lớp học mau chóng đi vào nền nếp, và gắn kết mối quan hệ giữa học sinh với giáo viên.

Đàm phán là một kỹ năng quan trong đối với giáo viên trong thời đại ngày nay.

3. Kỹ năng Lập kế hoạch

Đây là kỹ năng cực kì quan trọng để bạn và các học sinh của mình đạt được kết quả mong muốn.

Người giáo viên phải lên kế hoạch một cách chi tiết, cho từng bài giảng, cho những hoạt động ngoại khóa và cho những lúc vui chơi giải trí. Sự phóng túng và chủ quan là biểu hiện của một giáo viên nghiệp dư, sẽ khiến bạn “cháy giáo án” và có thể làm học sinh của bạn gặp rắc rối trong qua trình học tập.

4. Kỹ năng tiếp nhận phản hồi

Trong thời đại này, bạn sẽ nhận được vô số phản hồi đến từ phụ huynh và học sinh. Hãy tiếp nhận phản hồi một cách bình tĩnh và tích cực. Cảm ơn những người đã góp ý cho bạn, đặt câu hỏi tiếp theo và xây dựng kế hoạch hành động để cải thiện chất lượng giảng dạy của mình.

Mỗi lời hội phản hồi là một cơ hội để tăng trưởng và phát triển, vì vậy hãy nắm bắt nó, học hỏi, sửa đổi và phát triển sự nghiệp!

5. Kỹ năng Thuyết trình

Đối với nhiều người, thuyết trình là một nỗi sợ hãi. Thậm chí ở Mỹ, “nói trước công chúng” thường đứng ở vị trí số 1 trong danh sách những nỗi sợ hãi, trước cả cái chết và sự cô đơn.

Thế nhưng, trong thời hiện đại, đây lại là kỹ năng quan trọng mà những người giáo viên phải trau dồi kỹ lưỡng. Một giáo viên phải là một người thuyết trình tài ba, có thể ung dung thuyết giảng trước học sinh bằng cả nét mặt, lời nói và ngôn ngữ cơ thể. Đây là điểm mấu chốt để tạo ra sức hút của một “Siêu giáo viên”.

6. Kỹ năng Sáng tạo

Đừng bao giờ soạn một giáo án rồi sử dụng liên tục trong nhiều năm trời – bạn sẽ giết chết sự sáng tạo của mình, và giết chết cảm hứng học tập của học sinh.

Học sinh càng chủ động, càng hăng hái thì càng dễ xuất hiện nhiều tình huống bất ngờ. Bạn cần chuẩn bị tinh thần rằng, bất cứ lúc nào, bài giảng có thể bị “trật bánh” và “bay hoàn toàn khỏi đường ray”. Phải sáng tạo để có thể thích nghi với những tình huống không được chuẩn bị trước tại lớp học.

7. Kỹ năng bán hàng

Thật vậy, một giáo viên cũng cần có kỹ năng bán hàng. Giống như một nhân viên sales, hãy coi các em học sinh là khách hàng của mình, để tôn trọng, nhẫn nại và chăm sóc các em một cách nhiệt tình.

8. Kỹ năng tự chủ

Một người giáo viên không được mất bình tĩnh, càng không thể để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy.

Trong lớp học, thi thoảng sẽ có những khoảnh khắc bất ngờ, những tình huống rắc rối hay thậm chí là những xung đột. Những lúc này, bạn cần tự chủ. Phải nhớ vai trò của mình là người lãnh đạo của lớp và người truyền đạt kiến thức học sinh của mình.

Cuộc sống là một cuộc chiến. Mục tiêu của bạn mỗi ngày là trở thành một phiên bản tốt hơn của chính bạn so với ngày hôm qua. Hãy vượt qua những cảm xúc nhất thời vì lợi ích và thành công lâu dài của bạn.

9. Kỹ năng lãnh đạo

Trong mọi tổ chức, mọi cộng đồng, người lãnh đạo có vai trò cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, lãnh đạo không có nghĩa là bạn chỉ huy người khác. Nói cách khác, thước đo sự thành công của một lãnh đạo, không phải là có bao nhiêu người phục vụ bạn, mà là bạn phục vụ bao nhiêu người.

Hãy áp dụng tư tưởng này vào lớp học của bạn. Vì bạn là lãnh đạo, nên hãy dành sự quan tâm đến học sinh, tích cực lắng nghe, tham gia và phục vụ học sinh của bạn, và dẫn dắt học sinh đạt tới mục tiêu trong qua trình học tập.

10. Kỹ năng Lạc quan

Lạc quan là hy vọng và tự tin về tương lai. Có thể bản chất bạn không phải là một người lạc quan. Nhưng khi trở thành một nhà giáo, thì lạc quan là một kỹ năng, và bạn phải trau dồi kỹ năng đó.

Nếu bạn muốn thành công, bước đầu tiên không liên quan gì đến tài năng hay trình độ. Bước đầu tiên, bạn phải tin vào một tương lai tốt đẹp. Đừng cố gắng tránh những khó khăn, hãy trang bị cho mình sự tự tin, và tận hưởng cuộc hành trình với một ánh nhìn tươi sáng.

Là giáo viên, bạn có thể dẫn đường cho học sinh bằng cách tạo không khí vui vẻ với nội dung bài học và làm gương cho học sinh của bạn noi theo.

Theo ICTNews

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.