CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Một số tồn tại, hạn chế, các vấn đề môi trường cần giải quyết

0

Tại Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên và môi trường các tỉnh phía Nam năm 2019, lĩnh vực bảo vệ môi trường là một trong những lĩnh vực được quan tâm. Đặc biệt, các đại biểu tham dự họp đã thẳng thắn trao đổi, nhìn nhận các tồn tại, hạn chế, các vấn đề môi trường cần giải quyết trong vùng.

Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn còn một số bất cập, chưa đáp ứng kịp với các yêu cầu mới. Đội ngũ công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng, mất cân đối về cơ cấu. Ở Trung ương, một số lĩnh vực còn thiếu cán bộ có trình độ cao, chuyên môn sâu. Ở địa phương, đội ngũ cán bộ đang thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng quản lý, ở cấp xã phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm; thiếu cán bộ phụ trách công tác bảo tồn, đa dạng sinh học. Phân công chức năng nhiệm vụ về quản lý CTR còn chưa rõ ràng, công tác phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về quản lý CTR giữa Sở Xây dựng, Sở Y tế và Sở Tài nguyên và môi trường, các cơ quan có liên quan khác đôi lúc còn chưa chặt chẽ và kịp thời.

Đầu tư cho bảo vệ môi trường mặc dù bước đầu đã có chuyển biến tích cực song còn ở mức thấp. Mặc dù đã có những chuyển biến, song đầu tư cho bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay vẫn còn ở mức độ thấp. Vai trò và sự chỉ đạo chuyên môn của cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường ở địa phương trong việc xây dựng, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường còn rất hạn chế.

Cơ chế huy động vốn và đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng hạ tầng BVMT các KKT, KCN gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các tỉnh nghèo khu vực phía Nam. Các địa phương chưa chủ động thu hút đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, chủ yếu trông chờ ngân sách hỗ trợ từ trung ương. Các tổ chức, doanh nghiệp trong KCN chưa chấp hành tốt các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước gây không ít khó khăn cho công tác nắm bắt và quản lý.

Hệ thống cơ chế, chính sách, giải pháp công nghệ kiểm soát ô nhiễm không khí cũng như cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm quản lý chất lượng không khí của các Bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng kịp thời với xu hướng phát triển kinh tế xã hội.Đầu tư công nghệ kiểm soát ô nhiễm không khí còn hạn hẹp. Ý thức trách nhiệm kiểm soát nguồn thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp chưa tốt, đặc biệt còn rất nhiều cơ sở sản xuất có trang thiết bị xuống cấp, lạc hậu; hoạt động đăng kiểm và giám sát nguồn thải từ các phương tiện giao thông chưa thường xuyên. Nguồn lực (nhân lực, kinh phí) về thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí còn mỏng, ít có chương trình nhiệm vụ cho lĩnh vực này.

Lượng phát sinh CTNH tại các chủ nguồn thải nhỏ hoặc tại các vùng sâu, vùng xa chỉ một phần được thu gom, xử lý; số còn lại được lưu giữ tại nơi phát sinh, được các làng nghề thu gom, tái chế chưa đảm bảo yêu cầu về môi trường hoặc thậm chí bị đổ lẫn vào chất thải sinh hoạt và chôn lấp chung tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt; nhiều chủ nguồn thải CTNH trốn tránh việc chuyển giao CTNH cho đơn vị có chức năng xử lý phù hợp để cắt giảm chi phí xử lý; một số trường hợp khi chuyển giao chưa sử dụng chứng từ CTNH đúng quy định; một số trường hợp khác tự xử lý bằng công nghệ không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép. Hầu hết các cơ sở xử lý CTNH do khối tư nhân đầu tư, xây dựng và vận hành nên dẫn đến tình trạng đầu tư phân tán, nhỏ lẻ, chưa có cơ sở xử lý CTNH tập trung, quy mô lớn.

Do cơ chế chính sách chưa rõ ràng, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa ngành Môi trường và ngành Công Thương nên phần lớn các tỉnh đều chưa triển khai được nhiều hoạt động liên quan đến công tác kiểm soát ô nhiễm hóa chất. Bên cạnh đó, năng lực và nguồn lực của các cơ quan quản lý trong việc thực hiện công tác kiểm soát ô nhiễm hóa chất còn hạn chế nên các hoạt động bị phân tán, không có sự kết nối. Chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định các chỉ tiêu về nhiều loại hóa chất nguy hại như: các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, các chất độc hại khó phân hủy hoặc không có các yêu cầu về quan trắc đối với các hóa chất này dẫn đến không đánh giá được phát thải cũng như các tác động của các hóa chất này đối với môi trường và sức khỏe con người.

Việc tổ chức triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn đã phê duyệt tại các địa phương còn chậm. Hầu hết công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu không phù hợp với thực tế chất thải rắn tại Việt Nam chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của chất thải rắn sinh hoạt thấp, độ ẩm của không khí cao. Thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, nên chưa thể phổ biến và nhân rộng. Phương pháp xử lý chất thải rắn là chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh và gia tăng khí mêtan (một loại khí nhà kính), đồng thời tốn nhiều quỹ đất, không tận dụng được các loại chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng.

Các khu vực ô nhiễm cần phải cải tạo, phục hồi đều ở trên địa bàn các tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, việc huy động nguồn lực của các địa phương và từ các nguồn vốn khác rất hạn chế. Thực tế vẫn còn phổ biến tình trạng ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, thiếu chủ động trong việc huy động các nguồn vốn khác từ các nhà tài trợ, từ xã hội hóa… Nhận thức của người dân về tác hại của hóa chất BVTV còn chưa được đầy đủ dẫn đến tình trạng sử dụng hóa chất BVTV tràn lan không rõ nguồn gốc và bao bì hóa chất BVTV sau khi sử dụng chưa được thu gom triệt để gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Ô nhiễm môi trường sông có tính liên vùng, liên tỉnh trong khi chưa có cơ chế tài chính phù hợp để triển khai các nhiệm vụ, dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư xử lý, cải thiện ô nhiễm môi trường các dòng sông. Trong công tác thống kê, kiểm soát các nguồn thải trên địa bàn các tỉnh, thành phố chưa được thực hiện tốt.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có các quy định về đa dạng sinh học, nhiều nội dung còn chưa được thống nhất về bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; bảo vệ các loài hoang dã, loài nguy cấp, quý, hiếm (Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học). Lực lượng quản lý tài nguyên và môi trường ở địa phương chưa được tăng cường năng lực để triển khai các quy định của Luật đa dạng sinh học. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân đã được nâng cao nhưng chưa đủ và chưa quyết liệt nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học một cách hiệu quả và toàn diện.

Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường chưa cao: Nguyên nhân là do, công tác thanh tra về môi trường còn chưa được quan tâm đúng mức; các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi khó phát hiện, trong khi hoạt động thanh tra chuyên ngành bị ràng buộc nhiều bởi các thủ tục hành chính và chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời như: phải thông báo trước, chỉ làm việc trong giờ hành chính,… việc tổ chức thanh tra theo chế độ đột xuất còn bị hạn chế do nguồn lực không đảm bảo.

Mạng lưới quan trắc môi trường tự động liên tục và định kỳ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế: Mạng lưới trạm quan trắc tự động trong vùng chủ yếu tập trung phát triển mạnh về quan trắc chất lượng môi trường nước, các trạm tự động môi trường không khí còn thưa và phân bố không đồng đều (tại toàn vùng miền Nam hiện chỉ có 2 trạm quan trắc không khí tự động được Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư là trạm Lê Duẩn – Đà Nẵng (năm 2010), trạm Đồng Đế – Khánh Hòa (năm 2012) và một vài trạm do địa phương tự đầu tư tại một số tỉnh), do đó chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác bảo vệ môi trường trong điều kiện ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp. Mạng lưới điểm quan trắc môi trường định kỳ còn mỏng, chưa phân bố rộng khắp ở tất cả các tỉnh/thành hay các lưu vực sông trong phạm vi quản lý; nhiều vị trí quan trắc xung quanh các khu vực điểm nóng và nhạy cảm về ô nhiễm môi trường trong thời gian vừa qua (đã thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2017) không được đưa vào Quyết định số 90/QĐ-TTg; nhiều điểm quan trắc đang được thực hiện tại 2 LVS Sesan và Srepok tại Tây Nguyên vào năm 2017 thì bị cắt kinh phí thực hiện kể từ năm 2018 và các điểm quan trắc tại 3 thủy điện (2014-2016) thì bị cắt kinh phí kể từ năm 2017, nguyên nhân do có sự sai khác giữa thực tế triển khai theo Chương trình quan trắc tổng thể với Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc giagiai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 90). Dẫn đến việc gián đoạn, gây lãng phí nguồn dữ liệu quan trắc đã có, và hơn nữa, diễn biễn chất lượng môi trường toàn vùng cũng không được theo dõi thường xuyên.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin quan trắc môi trường chưa được đầu tư, chưa có hệ thống tiếp nhận và quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường chung cho hai trung tâm vùng phía Nam dẫn đến công tác truyền nhận, kết nối và trao đổi thông tin, việc khai thác cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường hiện có giữa các đơn vị trong Tổng cục, Bộ và giữa Trung tâm vùng với các địa phương, doanh nghiệp chưa được thực thi trong thực tế (Chi tiết quy định tại Chương V Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT). Điều này dẫn đến hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong việc theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo và kịp thời ứng phó với các sự cố môi trường.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.