Công tác bảo vệ môi trường khu vực phía Bắc đã đạt được một số kết quả cụ thể về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN); bảo vệ môi trường làng nghề; bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông (LVS); quản lý và kiểm soát chất lượng môi trường không khí; kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới; kiểm soát ô nhiễm hóa chất; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; quản lý chất thải; quản lý, xử lý và phục hồi các khu vực bị ô nhiễm;Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đẩy mạnh hoạt động quan trắc môi trường tự động liên tụ; giải quyết các thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Công tác bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN)
Khu vực phía Bắc có 11 KKT ven biển và 16 KKT cửa khẩu, hoạt động công nghiệp chủ yếu phát triển mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Hồng với 92 KCN đang hoạt động ngoài KKT và 10 KCN hoạt động trong KKT. Việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT tại các KKT, KCN đã nghiêm túc hơn, tỷ lệ đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tăng tương ứng với tỷ lệ phát triển các KCN. Tính đến hết năm 2018, có 79 KCN đã và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, vẫn còn một số KCN đang hoạt động qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện hành vi xử lý nước thải không đạt quy chuẩn, xả thải gây ô nhiễm môi trường như KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Thụy Vân (Phú Thọ), KCN Phố Nối (Hưng Yên)… Phần lớn các KCN chưa lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định do khó khăn về kinh phí, hiện tại có 56 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung 54,9%. Việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư công trình và dịch vụ xử lý chất thải KCN đặc biệt khó khăn ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa.
Công tác bảo vệ môi trường làng nghề
Theo thống kê, khu vực phía Bắc (31 địa phương) chiếm khoảng 80% trong tổng số 4.500 làng nghề và làng có nghề của cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng (Chi tiết số lượng làng nghề tại các địa phương khu vực miền Bắc tại Phụ lục 6). Nhìn chung, các địa phương khu vực phía Bắc chưa thực sự quan tâm, đầu tư cho công tác BVMT làng nghề. Đến nay, mới có 21 địa phương ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề. Một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, do tỷ lệ các cơ sở sản xuất trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ tiêu chí công nhận làng nghề, vì vậy không xây dựng kế hoạch.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, hạ tầng, cơ sở vật chất về bảo vệ môi trường làng nghề còn yếu kém, không đáp ứng được nhu cầu của phát triển sản xuất, chất thải không được thu gom và xử lý, dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, cảnh quan bị phá vỡ. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất thấp, nhận thức về tác hại của ô nhiễm đến sức khỏe, ý thức trách nhiệm BVMT của chủ cơ sở sản xuất kinh doanh rất hạn chế và ảnh hưởng từ nếp sống tiểu nông, tư duy sản xuất nhỏ, chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, nên công tác vận động, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn.
Một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã có những kiến nghị, đề xuất để tăng cường công tác bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó tập trung vào một số nội dung: Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung nhưng cần chi tiết, đảm bảo tính đặc thù của hoạt động sản xuất nhỏ, lẻ tại các làng nghề; Đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề; Tập trung khoanh vùng các đối tượng chính gây ra những vấn đề môi trường bức xúc hiện nay để chủ động kiểm soát chặt chẽ, áp dụng các biện pháp cụ thể, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm; Đồng thời, tăng cường ngân sách trung ương để bố trí cho công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương.
Công tác bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông (LVS)
Công tác bảo vệ môi trường các LVS đã được quan tâm đẩy mạnh. Để đảm bảo phòng ngừa ô nhiễm các môi trường nước LVS nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 03 Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy và hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020, và để triển khai 03 Đề án, Chính phủ đã tăng cường hoàn thiện việc xây dựng cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường nước lưu vực sông, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nguồn thải và kịp thời có các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật
Tính đến nay có 11/11 tỉnh, thành phố trên LVS Cầu và LVS Nhuệ – Đáy phê duyệt và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tại mỗi tỉnh, thành phố; đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án trên địa bàn. Ủy ban Bảo vệ môi trường LVS Cầu, Nhuệ – Đáy tập trung điều tra, thống kê, quản lý các nguồn nước thải chính từ các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư tại các tỉnh trên LVS; xây dựng quy định đánh giá sức chịu tải và hạn ngạch xả thải vào sông.
Đối với LVS Cầu, đến nay đã có 56 dự án đầu tư lớn được thực hiện, trong đó có 21 dự án thuộc hạng mục xử lý nước thải khu đô thị, dân cư, bệnh viện; 100% các tỉnh đều đã và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị; 16/18 dự án, nhiệm vụ trong Danh mục dự án, nhiệm vụ triển khai Đề án tổng thể sông Cầu giai đoạn 2010 – 2012 đã được thực hiện. Đối với LVS Nhuệ Đáy, triển khai quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN thuộc LVS Nhuệ – sông Đáy đến năm 2030[1]; trong giai đoạn 2015-2017, các Bộ và địa phương đã triển khai 54 dự án về BVMT LVS Nhuệ – Đáy, trong đó đáng chú ý là các dự án về thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tại Hà Nội. Theo đó, chất lượng môi trường nước tại các sông, kênh, rạch trong nội thành các đô thị lớn đã được cải thiện.
Công tác quản lý và kiểm soát chất lượng môi trường không khí
Hiện nay, bên cạnh việc vận hành, duy trì thường xuyên các trạm quan trắc môi trường không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai việc công bố chất lượng môi trường không khí của thành phố Hà Nội thông qua chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên trang thông tin điện tử và có những khuyến cáo về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tại các địa phương, nhiều dự án, chương trình nhằm giải quyết các vấn đề môi trường không khí tiếp tục được quan tâm thúc đẩy, đồng thời, sự tham gia của cộng đồng trong quá trình đánh giá tác động môi trường của các dự án, nhà máy,… đã góp phần đáng kể trong việc củng cố ý thức của các cơ sở sản xuất trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Để tăng cường công tác quản lý môi trường không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1773/BTNMT-TCMT ngày 18/4/2019 gửi các Bộ, UBND các tỉnh/thành phố về việc báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến 2020, tầm nhìn đến 2025.
Trước tình hình mức độ ô nhiễm không khí trên địa bàn Thành phố Hà Nội có chiều hướng gia tăng cả về thời gian và mức độ ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1807/BTNMT-TCMT ngày 19/4/2019 đề nghị UBND Thành phố Hà Nội tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
Công tác kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới
Hàng năm, Trạm quan trắc mưa axít miền Bắc thực hiện quan trắc mưa axit khu vực phía Bắc và nước mặt, trầm tích đầu nguồn sông Hồng, sông Lô. Các địa phương thuộc lưu vực sông xuyên biên giới đã triển khai một số hoạt động như: xây dựng chương trình quan trắc để theo dõi diễn biến, đánh giá chất lượng nước sông, ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra tỉnh Lào Cai đã trao đổi, thỏa thuận với phía Trung Quốc mà trực tiếp là tỉnh Vân Nam để hai bên cùng tăng cường kiểm soát các nguồn thải.
3.6. Công tác kiểm soát ô nhiễm hóa chất
Trong thời gian qua, các hoạt động kiểm soát ô nhiễm hóa chất đã được triển khai tại một số tỉnh phía Bắc với các hình thức như: khảo sát, đánh giá trong khuôn khổ các nhiệm vụ có liên quan, hướng dẫn các Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp kiểm soát hóa chất công nghiệp, hóa chất bảo vệ thực vật. Quy định các chỉ tiêu về một số hóa chất như hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng,… đã được đưa vào một số quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường đã thực hiện kiểm tra, đánh giá các hoạt động xử lý ô nhiễm của các địa phương tại các khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.
Công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu
Trước tình hình tồn đọng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các QCKTQG về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, triển khai các phương án xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển. Tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đối với các cơ quan, tổ chức liên quan. Kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và môi trường đã xử phạt 16 tổ chức vi phạm (chiếm tỷ lệ 26%), tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đối với 03 tổ chức ở tỉnh Nam Định[3]. Bộ Công an đã tiến hành khởi tố 02 tổ chức và 06 cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2019 về triển khai các nội dung liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BTNMT ngày 08/3/2019 quy định ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018, trong đó quy định các Sở Tài nguyên và Môi trường không trực tiếp tham gia kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu tại cảng.
Ngày 13/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, theo đó có nhiều quy định mới về công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định này.
Công tác quản lý chất thải
– Chất thải nguy hại: Hiện nay, đa phần các chủ nguồn thải có phát sinh lượng CTNH lớn hàng năm đều đã đăng ký và được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, lượng CTNH phát sinh được quản lý theo các quy định hiện hành, được thu gom và đưa đến các cơ sở đã cấp phép để xử lý.
– Chất thải thông thường: Tại khu vực phía Bắc, chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh là 33.068,9 tấn/ngày, tỷ lệ xử lý khoảng 53,6%; chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 18.000 tấn/ngày; tỷ lệ xử lý khoảng 60%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị tăng dần qua các năm. Hầu hết các địa phương đều đã hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn, trong đó có nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn thông thường.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai kiểm tra đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước và sẽ cập nhật tỷ lệ phát sinh thu gom xử lý.
Quản lý, xử lý và phục hồi các khu vực bị ô nhiễm
Các tỉnh khu vực phía Bắc, đặc biệt là Bắc Trung Bộ là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích và các dự án hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ và địa phương đã xử lý được hơn 70 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Tháng 7 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích 2016-2020, trong đó đặt ra mục tiêu xử lý 70 điểm ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các địa phương để triển khai trong thời gian tới.
Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; tỷ lệ các cơ sở hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ sở đã có ý thức trong việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã chủ động thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để.
Tính đến tháng 5/2019, trong tổng số 201 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khu vực phía Bắc theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đã có 119/201 cơ sở đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm tỷ lệ 59,20%. Đối với 225 cơ sở cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tới nay đã có 204 cơ sở đã hoàn thành và cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, chiếm tỷ lệ 91% (Tình hình xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng các địa phương khu vực phía Bắc tại Phụ lục 7 kèm theo).
Đẩy mạnh hoạt động quan trắc môi trường tự động liên tục
Hệ thống quan trắc tự động môi trường xung quanh ngày càng được mở rộng và phát triển, hiện nay cả nước đã đầu tư và đưa vào hoạt động khoảng 160 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh và nước mặt tự động (bao gồm 100 trạm quan trắc nước mặt và 60 trạm quan trắc không khí xung quanh). Số lượng trạm quan trắc tự động, liên tục thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia là 30/160 trạm (7 trạm khí và 23 trạm nước mặt). Tại khu vực miền Bắc, một số địa phương đã có mạng lưới quan trắc không khí xung quanh tự động khá hoàn chỉnh như: Bắc Ninh 18 trạm; Quảng Ninh 11 trạm; Hà Nội 11 trạm; Vĩnh Phúc 3 trạm…
Thực hiện quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP; Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT; Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT, nhiều doanh nghiệp có nguồn thải lớn đã triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc phát thải tự động, liên tục. Hiện nay trên cả nước đã lắp đặt khoảng 640 trạm phát thải, trong đó bao gồm khoảng 460 trạm quan trắc nước thải và khoảng 180 trạm quan trắc khí thải. Các trạm quan trắc phát thải được lắp đặt tập trung tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp/doanh nghiệp lớn của miền Bắc như: Hà Nội; Bắc Ninh; Hải Dương; Quảng Ninh; Thanh Hóa; Hà Tĩnh,…
Một số địa phương đã đầu tư xây dựng hệ thống truyền nhận dữ liệu tại Sở Tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên hệ thống quản lý số liệu này chưa đồng bộ và mỗi tỉnh sử dụng các phần mềm quản lý khác nhau. Theo quy định hiện hành, số liệu của các trạm quan trắc phát thải tự động phải được kết nối theo thời gian thực về Sở Tài nguyên và Môi trường, và từ Sở Tài nguyên và Môi trường truyền về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa thực hiện việc truyền dữ liệu từ doanh nghiệp về Sở. Rất ít địa phương thực hiện việc truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhằm hỗ trợ các địa phương trong công tác quản lý số liệu quan trắc tự động tại Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương và kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục môi trường đã xây dựng phần mềm Envisoft để bàn giao miễn phí cho các địa phương. Tính từ tháng 4/2019 (thời điểm bắt đầu chuyển giao) đến nay, phần mềm envisoft đã được cài đặt tại 6 địa phương (Hà Nội; Hải Phòng; Hải Dương; Bắc Ninh; Hưng Yên; Vĩnh Phúc) phục vụ quản lý số liệu quan trắc tự động (bao gồm cả quan trắc phát thải và quan trắc xung quanh) được kết nối truyền từ doanh nghiệp về Sở Tài nguyên và Môi trường và về Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến đến hết năm 2019, phần mềm sẽ được chuyển giao cho toàn bộ các tỉnh.
Giải quyết các thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường
Từ ngày 31/10/2017 (thời điểm chính thức vận hành đường dây nóng) đến nay, hệ thống đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương nhận được 564 thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường tại các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc. Số vụ việc đã được xử lý, phản hồi thông tin tới người dân là 298 vụ (chiếm tỷ lệ 53%), còn lại 267 vụ chưa được các địa phương xử lý (chiếm tỷ lệ 47%). Đến nay, các địa phương có nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng là Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh; Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang; có 01 địa phương (Cao Bằng) chưa có thông tin phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường. Nhìn chung, đa phần các địa phương khu vực phía Bắc đã chú trọng tới việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng. Một số địa phương có tỷ lệ xử lý thông tin nhanh, dứt điểm theo đúng quy định như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc.
Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Đến nay đã có 13 địa phương khu vực phía Bắc phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh (Chi tiết tại Phụ lục 8 kèm theo).
Nhiều tỉnh đã triển khai hoạt động điều tra, thống kê và đánh giá về ĐDSH trong đó có điều tra thống kê về loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài ngoại lai xâm lấn như Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Nội, Hòa Bình… Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên Huế hướng dẫn và đề xuất lồng ghép nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước trong các văn bản quy hoạch, kế hoạch và thí điểm xây dựng hướng dẫn kỹ thuật thành lập khu bảo tồn đất ngập nước tại hai tỉnh. Bên cạnh đó, đã xây dựng hồ sơ đề cử Vườn di sản ASEAN Vũ Quang (Hà Tĩnh) và đề cử thành công khu Ramsar Vân Long (Ninh Bình); đã tiếp nhận, thẩm định và ban hành 12 Quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ nghiên cứu không vì mục đích thương mại và 02 văn bản xác nhận việc đăng ký tiếp cận nguồn gen. Từ năm 2014-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 05 Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho các sự kiện ngô biến đổi gen.
Theo Monre.gov.vn