CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Một số kết quả chính trong công tác bảo vệ môi trường khu vực phía Nam

0

Đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, công tác bảo vệ môi trường cũng đã ghi nhận được một số kết quả tích cực.

Công tác bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN

Khu vực miền Nam có 03 khu kinh tế (KKT) ven biển, 07 KKT cửa khẩu. Trong đó có 162 KCN đang hoạt động ngoài KKT, 10 KCN đang hoạt động trong KKT. Các KCN được phân bổ chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ với 97 KCN đang hoạt động (chiếm 60% số KCN của vùng). Phần lớn các địa phương trong khu vực miền Nam đã xây dựng quy chế phối hợp quản lý môi trường KKT, KCN trên địa bàn, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý và bảo vệ môi trường KKT, KCN tại địa phương cũng được cải thiện so với các năm trước.

Công tác bảo vệ môi trường KCN tại các địa phương trong vùng cũng có chuyển biến nhất định trong những năm vừa qua. Trong số 172 KCN đang hoạt động trong khu vực, có 171 KCN được phê duyệt báo cáo ĐTM, có 163 KCN đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm tỷ lệ 94,7%. Đã có 135 KCN đã tiến hành lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động cho hệ thống XLNTTT, chiếm tỷ lệ 78,4%.

Tại khu vực Đông Nam Bộ (bao gồm 05 tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh) đã có 95 KCN đang hoạt động, chiếm 35% tổng số KCN đang hoạt động trong cả nước. Điều này gây ra áp lực môi trường lớn cho khu vực này nơi có các sông Đồng Nai, Thị Vải.

Công tác bảo vệ môi trường làng nghề

Trong thời gian gần đây, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề tại các địa phương đã được quan tâm hơn, đặc biệt từ năm 2011, sau khi Quốc hội tổ chức giám sát tối cao về BVMT làng nghề và đã ban hành Nghị quyết số 19/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Tuy nhiên, công tác BVMT làng nghề chưa được triển khai thực hiện đồng bộ tại các địa phương, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, đầu tư cho công tác BVMT làng nghề.

Tại các tỉnh phía Nam, do phân bố các làng có nghề thưa thớt, diện tích đất rộng, nên tuy vẫn nằm xen kẽ trong các khu dân cư nhưng hậu quả môi trường là chưa đáng báo động. Các làng nghề khu vực phía Nam vẫn mang đậm nét thủ công truyền thống, tận dụng lao động nhàn rỗi tại chỗ và nguyên vật liệu địa phương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng dân cư quanh vùng, nên thực chất, phát triển làng nghề một cách có định hướng tại các khu vực này là hết sức cần thiết. Nhiều tỉnh khu vực miền Nam (Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Phú Yên…) đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề (theo Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ). Một số tỉnh Tây Nam Bộ, do tỷ lệ các cơ sở sản xuất trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ tiêu chí công nhận làng nghề, vì vậy không xây dựng kế hoạch.

Về công tác quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường tại các làng nghề, một số tỉnh, thành phố, khu vực phía Nam (Bạc Liêu, Cà Mau, Kon Tum, Tây Ninh, Vĩnh Long,…) đã thực hiện lồng ghép trong chương trình quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường của tỉnh. Các địa phương đã chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và tại làng nghề nói riêng.

Theo báo cáo tổng hợp công tác BVMT làng nghề của một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cho thấy sự thiếu hụt về nguồn lực (tài chính, nhân lực) là một trong những khó khăn chính. Nguồn lực tài chính phân bổ hàng năm cho công tác BVMT nói chung còn hạn hẹp, đặc biệt là nguồn kinh phí sử dụng cho các hoạt động xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã hạn chế, lại chưa được sử dụng hiệu quả. Hầu hết các địa phương chỉ tập trung đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý chất thải rắn, cải tạo môi trường mà không có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát các nguồn xả thải, môi trường nước thải và khí thải tại các làng nghề ít được nhiều địa phương quan tâm, giám sát; các hộ sản xuất không thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tình hình ô nhiễm vẫn không được cải thiện.

Đồng thời, một số địa phương đề xuất, kiến nghị các giải pháp về: bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong bảo vệ môi trường làng nghề (tập trung vào các quy định quản lý đặc thù cho làng nghề, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, hỗ trợ kinh phí chuyển giao, xử lý chất thải…); Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục; tập trung triển khai văn bản pháp luật; hỗ trợ làng nghề thực hiện công trình xử lý chất thải; Thực hiện việc xem xét, công nhận làng nghề trong đó chú trọng tiêu chí đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề; Tăng cường, đào tạo năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường làng nghề tại các địa phương,…

Công tác bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông

Trong giai đoạn 2011-2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, phát huy vai trò của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên các lưu vực sông; tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông; tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra tình hình triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông tại các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông. Thu thập, tổng hợp số liệu các nguồn thải lớn xả thải ra lưu vực sông và vùng ven biển, có kế hoạch quản lý, xử lý các nguồn thải lớn theo mục tiêu bảo vệ môi trường.

Đối với lưu vực sông Đồng Nai, các kết quả giám sát chất lượng môi trường trên lưu vực sông Đồng Nai cho thấy dòng chính các sông cơ bản được duy trì ổn định tuy còn một số khu vực hạ lưu còn bị ô nhiễm cục bộ bởi chất dinh dưỡng; chất lượng các sông, kênh rạch hạ nguồn tuy còn ô nhiễm cục bộ nhưng từng bước dần được khống chế. Công tác điều tra, thống kê nguồn thải đã được triển khai thực hiện hiệu quả: 11/11 tỉnh, thành phố tiếp tục thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải và lập kế hoạch quản lý trong đó gắn với việc yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục nước thải theo quy định. Việc đầu tư, xúc tiến đầu tư cần tập trung vào các lĩnh vực sau: thoát nước đô thị, xử lý nước thải đô thị và khu dân cư tập trung; cải tạo, phục hồi môi trường cho những đoạn sông, kênh, rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng; đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải y tế; nạo vét và khơi thông dòng chảy.

Chất lượng nước các sông chính thuộc LVS Đồng Nai chịu ảnh hưởng lớn bởi các nguồn thải từ hoạt động công nghiệp và nước thải sinh hoạt đô thị. So với trước đây, giai đoạn 2011-2017 chất lượng môi trường nước mặt có xu hướng được cải thiện. Nhiều khu vực bị ô nhiễm nặng trong thời gian trước đã được phục hồi, điển hình là nước sông Thị Vải. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số điểm nước bị ô nhiễm hữu cơ và chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, hiện tượng xâm nhập mặn có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.Nước sông Đồng Nai đoạn thượng nguồn có chất lượng còn tương đối tốt, đoạn trung lưu và hạ lưu đã và đang tiếp nhận nước thải từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản (nuôi cá bè). Do đó, chất lượng nước bị suy giảm so với khu vực thượng nguồn. Đoạn chảy qua Tp. Biên Hòa và tỉnh Bình Dương đã bị ô nhiễm các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ và vi sinh. Sự cố cá chết hàng loạt trên sông và vùng ven biển vẫn thi thoảng xảy ra, như vụ cá chết tại sông Bồ (Thừa Thiên Huế), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), sông Cái Vừng (An Giang, Đồng Tháp) …. và gần đây nhất là sông La Ngà là các vấn đề được dư luận rất quan tâm.

Chất lượng nước của LVS Mê Công khá tốt, đặc biệt là khu vực sông bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Sông Hậu và sông Tiền là hai con sông lớn nhất thuộc LVS Mê Công, nguồn nước dồi dào, lòng sông sâu và rộng nên khả năng tự làm sạch của hai con sông này tương đối lớn, góp phần làm giảm mức độ ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng.

Tuy nhiên, nổi cộm lên trong giai đoạn này là vấn đề xâm nhập mặn đã diễn ra thường xuyên hơn với mức độ trầm trọng hơn, do chịu ảnh hưởng mạnh bởi chế độ thủy triều tại biển Đông và vịnh Thái Lan. Trong những năm gần đây, với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ranh giới mặn tại nhiều khu vực có xu thế lấn sâu vào nội địa và có diễn biến ngày càng trầm trọng, đặc biệt là những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016.

Công tác quản lý và kiểm soát chất lượng môi trường không khí

Tình trạng ô nhiễm không khí ở khu vực miền Nam từ các nguồn thải công nghiệp, giao thông và xây dựng, tập trung tại các tỉnh/thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định,… Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí năm 2016 – 2018 tỉnh/thành phố lớn cho thấy chất lượng không khí bị ảnh hưởng chủ yếu bởi bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra (khoảng 50% điểm quan trắc có giá trị TSP vượt QCVN 05:2013/BTNMT và giá trị tiếng ồn vượt QCVN 26:2010/BTNMT). Hoạt động công nghiệp ở các địa phương thuộc miền Nam đang rất sôi động trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp có sử dụng lò hơi, sản xuất thép khu vực miền Đông Nam Bộ (Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai), nhiệt điện Vĩnh Tân, nhiệt điện khu vực miền Tây (Nhiệt điện Ô Môn, Long Phú, Duyên Hải, Hậu Giang…), nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc là những tác nhân gây suy giảm chất lượng môi trường không khí khu vực nếu không có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt ngay từ nguồn phát sinh. Trong những năm qua, khu vực miền Nam đã có một số vụ việc cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm không khí đã được phản ánh như Nhiệt điện Vĩnh Tân, các nhà máy xi măng tại khu vực Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang,.v.v.

Công tác kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới

Trạm quan trắc mưa axit tại khu vực miền Nam được đặt tại Trung tâm chất lượng nước và môi trường thuộc Viện Quy hoạch Thuỷ lợi Miền Nam. Theo kết quả quan trắc năm 2018, pH quan trắc nước mưa tại các trạm thuộc 7 tỉnh khu vực Nam bộ (Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu) dao động từ 5,91 đến 7,23, phù hợp cho hầu hết mục đích sử dụng nước. Trong đó trạm quan trắc tại Cà Mau có mức độ axit hoá cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 25% mẫu ngày và 20% mẫu tuần. Tại khu vực này chưa có đánh giá về các dấu hiệu ô nhiễm xuyên biên giới dựa trên các kết quả quan trắc chất lượng nước sông hoặc quan trắc mưa axit.

Công tác kiểm soát ô nhiễm hóa chất

Trong thời gian qua, các hoạt động kiểm soát ô nhiễm hóa chất đã được triển khai tại một số tỉnh phía Nam với các hình thức như: khảo sát, đánh giá trong khuôn khổ các nhiệm vụ có liên quan, hướng dẫn các Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp kiểm soát hóa chất công nghiệp, hóa chất bảo vệ thực vật.Quy định các chỉ tiêu về một số hóa chất như hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng,… đã được đưa vào một số quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Trong thời gian qua, các hoạt động kiểm soát ô nhiễm hóa chất đã được triển khai tại một số tỉnh phía Nam với các hình thức như: khảo sát, đánh giá trong khuôn khổ các nhiệm vụ có liên quan, hướng dẫn các Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp kiểm soát hóa chất công nghiệp, hóa chất bảo vệ thực vật.Quy định các chỉ tiêu về một số hóa chất như hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng,… đã được đưa vào một số quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Bộ Quốc phòng xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa.

Với vai trò là cơ quan đầu mối Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), Tổng cục Môi trường thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin với Ban Thư ký Công ước và các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để triển khai các nhiệm vụ, cam kết đối với Công ước Stockholm và định kỳ báo cáo về các hoạt động thực thi Công ước Stockholm tại Việt Nam; cập nhật công tác quản lý, kiểm soát và xử lý các chất POP (cũ và mới) theo quy định của Công ước Stockholm và yêu cầu bảo vệ môi trường của Việt Nam đối với các chất POP theo yêu cầu của Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2017); thực hiện tổng hợp thông tin về việc quản lý, sử dụng và thực hiện công tác kiểm soát các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) từ các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương để báo cáo và có các biện pháp quản lý theo quy định của Công ước Stockholm; rà soát và chuẩn bị nội luật hóa một số nội dung, quy định của Công ước Stockholm để sửa đổi Điều 75, 78 của Luật Bảo vệ Môi trường 2014.

Công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu

Trước tình hình tồn đọng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018 và số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018. Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, triển khai các phương án xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển. Tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đối với các cơ quan, tổ chức liên quan. Kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và môi trường đã xử phạt 16 tổ chức vi phạm (chiếm tỷ lệ 26%), tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đối với 03 tổ chức ở tỉnh Nam Định, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh[1]. Bộ Công an đã tiến hành khởi tố 02 tổ chức và 06 cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2019 về triển khai các nội dung liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường không trực tiếp tham gia kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu tại cảng, Bộ Tài chính chỉ đạo hải quan các cảng thực hiện việc thông quan.

Ngày 13/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường đã có nhiều quy định mới về công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định này.

Công tác quản lý chất thải

Chất thải rắn thông thường: Trung bình trong năm 2016 và 2017, lượng chất thải rắn phát sinh tại các tỉnh phía Nam khoảng 30.000 tấn/ngày chất thải công nghiệp thông thường, 24.414,5 tấn/ngày chất thải sinh hoạt; trong đó lượng chất thải công nghiệp được xử lý khoảng 60%; chất thải rắn sinh hoạt xử lý chiếm khoảng 70,4%.Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị tăng dần qua các năm. Nhiều địa phương thành lập Quỹ bảo vệ môi trường góp phần huy động các nguồn lực về tài chính của Nhà nước, cộng đồng, các cơ sở sản xuất… giải quyết các vấn đề môi trường của địa phương trong đó có hỗ trợ cho các dự án bảo vệ môi trường, các dự án xử lý chất thải.

Chất thải nguy hại: Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, lượng CTNH phát sinh năm 2016vào khoảng 333.997 tấn, tổng lượng CTNH được thu gom, xử lý là 307.701 tấn, chiếm khoảng 92% tổng lượng phát sinh[2]. Năm 2017, lượng CTNH phát sinh là 252.000 tấn, lượng CTNH thu gom, xử lý là 224.603 tấn, chiếm khoảng 89% tổng lượng phát sinh[3]. Hiện nay, đa phần các chủ nguồn thải có phát sinh lượng CTNH lớn hàng năm đều đã đăng ký và được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH, lượng CTNH phát sinh được quản lý theo các quy định hiện hành, được thu gom và đưa đến các cơ sở đã cấp phép để xử lý.

Quản lý, xử lý và phục hồi các khu vực bị ô nhiễm

Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích và các dự án hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ và địa phương đã xử lý các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Về tồn lưu chất độc hóa học/dioxin do chiến tranh để lại, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng và một số cơ sở nghiên cứu trong nước và ngoài nước tiến hành điều tra một số vùng bị phun rải chất độc hóa học trước đây, tập trung vào các vùng ô nhiễm nặng như sân bay Đà Nẵng, Biên Hoà, Phù Cát và khu vực lân cận. Tại sân bay Phù Cát, năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng chôn lấp an toàn, cô lập 7.500 m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin trên diện tích 2,06 ha. Tại sân bay Đà Nẵng, đến tháng 12/2018 đã hoàn thành xử lý tồn lưu dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng. Đưa sân bay Đà Nẵng và Phù Cát ra khỏi điểm nóng về ô nhiễm dioxin. Tại khu vực sân bay Biên Hòa, ngày 20/4/2019 cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã khởi động dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam.

3.10. Tình hình xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được triển khai quyết liệt, có hiệu quả, đã góp phần giảm thiểu tác động và ô nhiễm môi trường tới cộng đồng. Nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; tỷ lệ các cơ sở hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cơ sở đã có ý thức trong việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã chủ động thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để

Tính đến tháng 5/2019, trong tổng số 214 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khu vực miền Nam theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đã có 198/214 cơ sở đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm tỷ lệ 93,46%. Đối với 230 cơ sở cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tới nay đã có 111 cơ sở đã hoàn thành và cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỷ lệ 48,26% (Tỷ lệ danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Phụ lục 06).

Đẩy mạnh hoạt động quan trắc môi trường tự động liên tục

Hệ thống quan trắc tự động môi trường xung quanh ngày càng được mở rộng và phát triển, hiện nay cả nước đã đầu tư và đưa vào hoạt động khoảng 160 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh và nước mặt tự động (bao gồm 100 trạm quan trắc nước mặt và 60 trạm quan trắc không khí xung quanh). Số lượng trạm quan trắc tự động, liên tục thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia là 30/160 trạm (7 trạm khí và 23 trạm nước mặt). Mạng lưới quan trắc tự động môi trường xung quanh tại khu vực miền Nam còn mỏng, tính từ Đà Nẵng trở vào mạng lưới quan trắc quốc gia chỉ có 02 quan trắc không khí, 10 trạm quan trắc nước mặt. Ngoài ra, một số địa phương cũng đã đầu tư một số trạm quan trắc như: Đồng Nai có 02 trạm quan trắc không khí, 05 trạm quan trắc nước mặt, Bạc Liêu có 01 trạm quan trắc nước mặt, Bình Dương có 05 trạm quan trắc nước mặt, Tây Ninh có 03 trạm nước mặt, Cà Mau có 04 trạm nước mặt, Cần Thơ có 04 trạm nước mặt.

Thực hiện quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP; Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT; Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT, nhiều doanh nghiệp có nguồn thải lớn đã triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc phát thải tự động, liên tục. Trên cả nước đã lắp đặt khoảng 640 trạm phát thải, trong đó bao gồm khoảng 460 trạm quan trắc nước thải và khoảng 180 trạm quan trắc khí thải. Khu vực phía Nam, các trạm quan trắc phát thải được lắp đặt tập trung tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp/doanh nghiệp lớn như: Đồng Nai 64 trạm, Bình Dương 76 trạm, Bà Rịa – Vũng Tàu 23 trạm, Gia Lai 19 trạm, Tây Ninh 22 trạm. Một số địa phương đã đầu tư xây dựng hệ thống truyền nhận dữ liệu tại Sở Tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên hệ thống quản lý số liệu này chưa đồng bộ và mỗi tỉnh sử dụng các phần mềm quản lý khác nhau. Theo quy định hiện hành, số liệu của các trạm quan trắc phát thải tự động phải được kết nối theo thời gian thực về Sở Tài nguyên và Môi trường, và từ Sở Tài nguyên và Môi trường truyền về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa thực hiện việc truyền dữ liệu từ doanh nghiệp về Sở. Rất ít địa phuơng thực hiện việc truyền số liệu về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhằm hỗ trợ các địa phương trong công tác quản lý số liệu quan trắc tự động tại Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương và kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục môi trường đã xây dựng phần mềm Envisoft để bàn giao miễn phí cho các địa phương. Tính đến hết tháng 5/2019, khu vực phía Nam, duy nhất tỉnh Bạc Liêu đã được chuyển giao phần mềm envisoft phục vụ quản lý số liệu quan trắc tự động (bao gồm cả quan trắc phát thải và quan trắc xung quanh) được kết nối truyền từ doanh nghiệp về Sở Tài nguyên và Môi trường và về Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến đến hết năm 2019, phần mềm sẽ được chuyển giao cho toàn bộ các tỉnh.

Giải quyết các thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường

Từ ngày 01/01/2018 đến nay, hệ thống đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương nhận được 653 thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường tại các tỉnh thuộc khu vực phía Nam. Số vụ việc đã được xử lý, phản hồi thông tin tới người dân là 270 vụ (chiếm tỷ lệ 41,3%), còn lại 383 vụ chưa được các địa phương xử lý (chiếm tỷ lệ 58,7%). Đến nay, các địa phương có nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng là: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Đắk Lắk,, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp. Nhìn chung, đa phần các địa phương khu vực phía Nam đã bước đầu chú trọng tới việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng. Một số địa phương có tỷ lệ xử lý thông tin nhanh, dứt điểm theo đúng quy định như: Kiên Giang, An Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bình Phước, Cà Mau.

Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

Đến nay đã có 10 địa phương khu vực phía Nam phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh[4] (Gồm các tỉnh sau: An Giang; Bạc liêu; Bến Tre; Đồng Tháp; Kon Tum; Lâm Đồng; Sóc Trăng; Vĩnh Long; Gia Lai, Quảng Ngãi ); một số tỉnh/thành phố đã xây dựng nhưng chưa phê duyệt (Gồm các tỉnh sau:  Cà Mau; Đăc Lăk; Long An)

Nhiều tỉnh đã triển khai hoạt động điều tra, thống kê và đánh giá về ĐDSH trong đó có điều tra thống kê về loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài ngoại lai xâm lấn như An Giang, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Đắk Lắk,… Đặc biệt một số tỉnh thành đã triển khai hoạt động kiểm soát, diệt trừ cây mai dương như Đắk Lắk, Quảng Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận, thẩm định và ban hành 12 Quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ nghiên cứu không vì mục đích thương mại và 02 văn bản xác nhận việc đăng ký tiếp cận nguồn gen. Từ năm 2014-2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận, thẩm định và cấp 05 Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho các sự kiện ngô biến đổi gen.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện như hướng dẫn các địa phương trên cả nước tổ chức các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới 2-2 hàng năm và tổ chức thành công Lễ mittinh kỷ niệm Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2016 và năm 2017. Hiện nay, hồ sơ Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà đã được hoàn thiện hồ sơ và sẽ được Ban thư ký ASEAN công nhận trong năm 2018. Các hồ sơ của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cũng đã hoàn thiện hồ sơ và sẽ được Ban thư ký ASEAN công nhận vào năm 2019.

 Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.