CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực xử lý chất thải

0

Các làng nghề tái chế chất thải là một mô hình điển hình về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực xử lý chất thải ở Việt Nam.

Các làng nghề tái chế chất thải là những ví dụ tiêu biểu nhất về dấu hiệu của KTTH đã có từ lâu tại Việt Nam.

          Đối với vật liệu nhựa: làng nghề tái chế nhựa Trung Văn (Hà Nội), làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn (Nam Định)

          Đối với vật liệu xây dựng: Làng nghề tái chế thép Đa Hội (Bắc Ninh),

          Đối với các vật liệu khác: làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh, làng nghề tái chế nhôm tại thôn Bình Yên (Nam Định).

          Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, sản xuất tại các làng nghề tái chế trên cả nước cũng gia tăng nhanh chóng. Một số làng nghề tái chế điển hình như làng nghề tái chế nhựa Trung Văn (Hà Nội), làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh), làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn (Nam Định), làng nghề tái chế nhôm Yên Bình (Nam Định).

          Sản xuất làng nghề với đặc điểm quy mô nhỏ (ở dạng hộ gia đình) nằm rải rác trên khắp địa bàn làng xã; thiết bị công cụ sản xuất còn lạc hậu, phần lớn là tự tạo hoặc cải tiến thủ công, đã phát sinh nhiều loại chất thải, mặt khác do phân tán nên các nguồn thải khó tập trung xử lý.

          Phường Trung Văn có nghề thu mua phế liệu, tái chế nhựa từ nhiều năm nay. các nguyên liệu như túi ni lông, vỏ chai nhựa các loại… được người dân thu mua về và tái chế lại thành nhựa thô, sản xuất ra dây thừng, ni lông bao tải dứa, phần còn lại xuất cho các công ty, xí nghiệp chuyên sản xuất đồ nhựa. Trong suốt quá trình tái chế phế liệu, chất thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường.

Tỉnh Bắc Ninh có trên 70 làng nghề (62 làng nghề thủ công truyền thống); 27 cụm công nghiệp trong đó có làng nghề đúc đồng Đại Bái. Đây là một làng nghề truyền thống với các nghề chính như: đúc đồng, dát mỏng kim loại, gia công cơ khí, kim khí, hoàn chỉnh các chi tiết, chạm, khắc kim loại, ghép tam khí,… Quy trình đúc đồng ở đây mang tính truyền thống và thủ công. Nguyên liệu sử dụng là các phế liệu kim loại màu (nhôm, đồng, chì) như: dây điện, phôi đồng của các nhà máy điện,vỏ máy các loại,… Với lượng tiêu thụ khoảng 5.000 tấn/năm. Nhiên liệu tiêu thụ trong quá trình nung chảy phế liệu và đúc là than và điện với lượng tiêu thụ khoảng 2.500 tấn than/năm. Vì vậy, trong quá trình sản xuất đã thải ra môi trường một lượng khí thải và chất thải rắn lớn, gây nguy hại trực tiếp đến môi trường sống, môi trường đất của xã Đại Bái.

          Làng nghề Bình Yên (Nam Định) có 304 hộ làm nghề tái chế nhôm từ các phế thải. Trung bình mỗi tháng làng nghề này tái chế gần 1.500 tấn nhôm phế liệu. Ở thôn Bình Yên, quá trình cô đúc nhôm từ vỏ lon (bia, đồ uống đóng hộp) hàng ngày thải ra hàng chục tấn chất thải rắn nguy hại, trong khi nước thải từ khâu tẩy rửa sản phẩm lên tới 500m3 mỗi ngày. Trước năm 2013, tất cả số chất thải rắn nguy hại và nước thải đều được các hộ đổ thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên, mà không qua bất cứ một khâu xử lý nào[1]. Việc nguồn nước ô nhiễm khiến các mương nước tưới tiêu dẫn dẫn nước vào cánh đồng lúa bị ảnh hưởng, khiến nhiều ha đất nông nghiệp phải bỏ hoang. Theo kết quả quan trắc khi đó của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại làng nghề Bình Yên, môi trường nước mặt tại sông Nam Ninh Hải, nơi chứa nước thải của các cơ sở sản xuất, có hàm lượng SS (chất rắn lơ lửng) cao gấp 12,2 lần Quy chuẩn Việt Nam. Năm 2013, tỉnh Nam Định đã đầu tư 85 tỉ đồng cho dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại làng nghề Bình Yên, bao gồm cả hệ thống thu gom chất thải rắn, và hệ thống xử lý nước tập trung. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường ở đây vẫn gặp nhiều khó khăn.

          Về nguyên vật liệu, làng nghề Bình Yên chủ yếu lấy nguồn từ tại các địa phương. Trong khi đó, công tác quản lý và những giải pháp bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, ý thức và nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường còn chưa cao, nên ô nhiễm môi trường đã và đang tiếp tục trở thành mối đe dọa thường trực đối với môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng dân cư sống trong các làng nghề, người dân khu vực xung quanh làng nghề.

          Nhìn chung, mặc dù các làng nghề tái chế góp phần vào việc tuần hoàn các nguồn nguyên vật liệu trong nền kinh tế, tuy nhiên, trong quá trình tái chế đã làm phát sinh lượng chất thải khá lớn, đặc biệt là chất thải rắn. Việc thu gom và xử lý chất thải từ các làng nghề đang là một thách thức với các nhà quản lý địa phương.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.