CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sử dụng và phát triển năng lượng

0

Năng lượng địa nhiệt, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng từ sức nước; năng lượng sinh học là những mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sử dụng và phát triển năng lượng ở Việt Nam.

Năng lượng địa nhiệt

Việt Nam có hơn 300 nguồn nước khoáng nóng có nhiệt độ bề mặt từ 30oC đến 105oC, tập trung nhiều tại Tây Bắc, Trung Bộ. Tuy nhiên, do chưa có các nghiên cứu đầy đủ, nên chưa có các đánh giá đúng về tiềm năng và khả năng khai thác nguồn địa nhiệt. Dự báo đến năm 2020 có thể phát triển khoảng 200 MW.  Một số điểm lộ nước nóng đang được sử dụng phục vụ đời sống dân sinh do đó, đây là tiềm năng lớn để phát triển hoạt động khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt

Năng lượng mặt trời

Theo nghiên cứu “Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương hợp tác triển khai đã đưa ra kết quả rằng tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất của Việt Nam đạt ít nhất 07 Gigawatt (GW) vào năm 2020. Tiềm năng này vượt xa mục tiêu quốc gia là 0,8 GW vào năm 2020. Tuy nhiên trong xu thế chi phí đầu tư và tài chính cho các dự án điện mặt trời đang ngày càng giảm, tiềm năng kinh tế có thể đạt mức vài trăm Gigawatt trong giai đoạn 2021 – 2030 khi thị trường bắt đầu phát triển, và vượt xa mục tiêu đã đề ra là 12 Gigawatt vào năm 2030.

Với vị trí địa lý nằm gần xích đạo, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dồi dào để phát triển điện mặt trời, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Nam. Hiện nay, hầu hết các dự án đều đang được triển khai ở tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Tuy nhiên, sau năm 2020, sẽ có nhiều dự án điện mặt trời ở khu vực miền Trung và miền Nam, bao gồm các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Trong bối cảnh thị trường hiện nay, nguồn tài chính cho các dự án điện mặt trời có thể còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, khi thị trường phát triển hơn nữa và chi phí giá thành giảm, tiềm năng phát triển điện mặt trời sẽ tăng lên nhanh chóng.

hủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Để hiện thực hóa Quyết định số 11, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT hướng dẫn chi tiết các quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới, hoặc điện năng lượng mặt trời hòa lưới.

Thông tư 16/2017/TT-BCT bao gồm 5 Chương với 22 Điều, thông tư có hiệu lực kể từ ngày 26/10/2017, đã quy định cụ thể về:

(i) Quy hoạch, và phát triển dự án điện năng lượng mặt trời;

(ii) Giá bán điện của các dự án điện năng lượng mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời mái nhà;

(iii) Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới và lắp trên mái nhà;

(iv) Quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư quy định các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện năng lượng mặt trời tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (Tương đương với 9,35 Uscents/kWh và sẽ được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VNĐ/USD). Bên mua điện là EVN có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện năng lượng mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 30 tháng 6 năm 2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng trong thời gian 20 năm.

Năng lượng gió

Trong trường hợp phát triển điện gió, Việt Nam có tiềm năng gió cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển năng lượng gió nhưng hiện tại số liệu về tiềm năng khai thác năng lượng gió của Việt Nam chưa được lượng hóa đầy đủ bởi còn thiếu điều tra và đo đạc. Số liệu đánh giá về tiềm năng năng lượng gió có sự dao động khá lớn, từ 1.800MW đến trên 9.000MW, thậm chí trên 100.000MW . Tổng tiềm năng năng lượng gió là 1.750MW. Tốc độ gió trung bình ở khu vực có gió tốt là 6m/s ở độ cao 60m. Tiềm năng gió cao hơn ở miền Trung và miền Nam của đất nước (đặc biệt ở Tây Nguyên, hải đảo và các khu vực ven biển), tương ứng khoảng 880MW và 855MW. Ở miền Bắc, tiềm năng khoảng 50MW. Hiện nay có một trang trại điện gió với tổng công suất 30 MW đang vận hành và một trang trại điện gió công suất 90 MW đang xây dựng. Tiềm năng phát triển là như vậy, nhưng việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này hiện nay còn hạn chế chỉ vào khoảng 3 MW .

Chính phủ và nhân dân bày tỏ sự ủng hộ phát triển điện gió, đặc biệt năng lượng gió sẽ đáp ứng nhu cầu điện đang tăng nhanh. Khung thể chế cho phát triển Năng lượng tái tạo đang được xây dựng. Mục tiêu của phát triển điện gió ở Việt Nam là 5% trong tổng sản lượng điện vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.

Một nội dung chính của cơ chế khuyến khích được phê duyệt để thúc đẩy phát triển điện gió là giá điện quy định (FIT). FIT bằng 7,8 US cent/kWh. Trong đó, EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) có nghĩa vụ mua điện từ các dự án điện gió ở mức giá 6,8USc/kWh. Bù giá từ ngân sách nhà nước cho chủ đầu tư dự án điện gió là 0,1UScent/ kWh (từ Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam). Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ này cũng bao gồm giảm và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, phí sử dụng đất, VAT và phí môi trường.

Sản xuất năng lượng từ sức nước (thủy điện nhỏ)

Lãnh thổ Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, có lượng mưa trung bình hàng năm cao, khoảng 1.800 – 2.000mm. Với địa hình miền Bắc và biên giới miền Tây đồi núi cao, phía Đông là bờ biển dài trên 3.400km nên nước ta có hệ thống sông ngòi khá dày đặc với hơn 3.450 hệ thống. Và với điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy nên tiềm năng thuỷ điện (TĐ) của nước ta tương đối lớn. Theo tính toán lý thuyết, tổng công suất TĐ của nước ta vào khoảng 35.000MW, trong đó 60% tập trung tại miền Bắc, 27% phân bố ở miền Trung và 13% thuộc khu vực miền Nam. Tiềm năng kỹ thuật (tiềm năng có thể khai thác khả thi) vào khoảng 26.000MW, tương ứng với gần 970 dự án được quy hoạch, hàng năm có thể sản xuất hơn 100 tỷ kWh, trong đó nói riêng thuỷ điện nhỏ (TĐN) có tới 800 dự án, với tổng điện năng khoảng 15 – 20 tỉ kWh/năm.

Ở thời điểm hiện nay, việc phát triển thủy điện đang và sẽ được triển khai theo 2 văn bản pháp lý quan trọng.

Một là: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015, Phê duyệt Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện tăng từ khoảng 56 tỷ kWh năm 2015 lên gần 90 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 96 tỷ kWh (tỷ trọng 17%) vào năm 2030. Bên cạnh đó là phát triển nguồn thủy điện tích năng nhằm thực hiện nhiệm vụ dự trữ điều chỉnh nhu cầu trong hệ thống điện, góp phần nâng cao độ linh hoạt, hiệu quả trong vận hành hệ thống điện. Công suất nguồn thủy điện tích năng đến năm 2030 đạt 2.400MW, năm 2050 đạt khoảng 8.000MW.

Hai là: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII ĐC).

Năng lượng sinh học thay thế dầu mỏ ở Việt Nam

Việt Nam có đủ điều kiện về công nghệ chế tạo xăng sinh học thương phẩm. Tuy nhiên, cần phát triển nguồn nguyên liệu (sắn, ngô, mía đường…) để sản xuất cồn ethanol làm hợp phần xăng sinh học. Hiện nay tổng sản lượng cồn ethanol ở nước ta mới chỉ đạt khoảng 50 triệu lít dùng cho các mục đích khác nhau, chưa đủ để tạo ra nguồn xăng sinh học thương phẩm dù thay thế một phần nhỏ xăng động cơ đang dùng hiện nay.

Các loại cây như mía, sắn, tảo, cây cọc rào, dầu ve… và nhiều loại phụ phẩm như hạt cao su, mỡ cá, dầu mỡ đã qua sử dụng đều có thể sản xuất nhiên liệu thay thế xăng dầu. Diện tích trồng mía của Việt Nam hiện nay hơn 300.000 ha, cho sản lượng hàng năm khoảng 17 triệu tấn mía cây và hiệu suất cồn được sản xuất từ đường mía cũng rất cao. Việt Nam hiện cũng có khoảng 430.000 ha chuyên trồng sắn, sản lượng hàng năm từ 6,5 đến 7 triệu tấn củ. Tinh bột sắn là nguyên liệu chủ yếu thứ hai để sản xuất cồn. Thêm vào đó, ở Việt Nam còn có cây cọc rào (jatropha) có nguồn gốc từ Nam Mỹ, đã được di thực vào Việt Nam khá lâu. Loại cây cho nhiều dầu sinh học này lại tỏ ra thích ứng với nhiều vùng sinh thái ở Việt Nam. Dầu ép từ hạt jatropha có ưu điểm tính chất hoá – lý rất thích hợp để làm biodiesel. Giống cây này có thể phát triển được trên các vùng đất hoang hoá nghèo dinh dưỡng, hạt chứa hàm lượng dầu cao (30-35%), chu kỳ khai thác nhiều năm. Mỗi ha cây Jatropha trồng sau 5 năm có thể cho từ 3-8 tấn hạt và nếu trồng 1 triệu ha Jatropha, sau 5 năm có thể thu được 1,5-3 triệu tấn dầu thay xăng. Hiện nay, hàng chục cơ sở đã trồng thử nghiệm hàng trăm ha cây cọc rào này. Đáng chú ý là Công ty Green Energy Việt Nam (GEVN) hợp tác với Trung tâm Công nghệ Sinh học (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã đưa mô hình trồng trình diễn jatropha trên đất cát, đất khô hạn, đất đồi vào các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Định, Bình Phước, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, cho kết quả tốt.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.