Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 hay quá trình số hóa các ngành công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cũng làm tăng nguy cơ tấn công vào ngành sản xuất.
Chuyển đổi lên không gian ảo, được kết nối là đòi hỏi sống còn
Việc chuyển đổi các công ty và doanh nghiệp (DN) lên những không gian ảo, được kết nối hiện không còn là một lựa chọn nữa mà là đòi hỏi sống còn.
Một nghiên cứu mới đây của Deloitte đã minh chứng xu thế này khi 96% công ty tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) cho biết họ đã thực hiện kiểm toán để tìm kiếm các cơ hội từ công nghiệp 4.0, mức cao hơn đáng kể so với trung bình toàn cầu là 51%.
Ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực APAC chia sẻ: “Mức độ số hóa của khu vực APAC vẫn còn ở giai đoạn đầu cho tới khi đại dịch buộc mọi người phải xem xét lại thực tiễn hoạt động của họ. Ngược với quan điểm phổ biến cho rằng công nghiệp 4.0 là chủ đề vĩ mô chỉ giới hạn trong phòng họp lãnh đạo, cuộc cách mạng này đang thực sự lấy người dùng làm trọng tâm. Những đột phá về công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data), Internet kết nối vạn vật (IoT), 5G,… đã sẵn sàng để tạo dựng một tương lai tùy biến”.
Trong “tương lai tùy biến”, các sản phẩm và dịch vụ sẽ được phát triển phù hợp với mong muốn của người dùng. Điều đó còn được biết đến như là “cá nhân hóa”, một xu thế hình thành nên từ kết nối siêu băng rộng di động của công nghệ 4G, với khả năng mang đến cho con người khả năng đặt một chuyến xe khi cần thiết, phát (stream) các bài hát hay nội dung mong muốn,…
Khi ngày càng có thêm nhiều công nghệ tiên tiến, 83% người dùng đánh giá cao trải nghiệm được cá nhân hóa đến mức họ sẵn sàng chia sẻ dữ liệu để hiện thực hóa mong muốn đó.
Về phương diện theo dõi vị trí, người dùng đã chia sẻ vị trí của họ theo thời gian thực, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch. Phương thức người dùng sử dụng các bản đồ ảo để tìm đường hoặc tìm kiếm thông tin về tình hình giao thông cũng nâng cao năng lực của các ứng dụng này trong việc tích lũy lượng dữ liệu khổng lồ, cho phép các ứng dụng dự báo các quy luật về hành vi và hoạt động thể chất. Những dữ liệu như vậy sẽ rất rủi ro nếu rơi vào tay kẻ xấu.
Với lượng thông tin như vậy, một tương lai tùy biến là hoàn toàn có thể khi có rất nhiều công ty giờ đây thấu hiểu khách hàng hơn là chính bản thân khách hàng hiểu về họ.
Các mối đe dọa bảo mật tấn công vào ngành sản xuất khu vực APAC
Một số công ty khởi nghiệp trên thế giới đã hiểu rõ nhu cầu và triển khai hoạt động tùy biến trên quy mô lớn. Giờ đây người dùng có thể ghi tên mình trên đôi giày được thiết kế riêng cho họ, mua một sản phẩm vòng đeo cổ được tùy biến theo nhu cầu cũng như là cấy ghép các bộ phận cơ thể phù hợp hơn, hay có các liều thuốc được cá nhân hóa dành cho họ,…
Mặc dù đây là những minh chứng về sức mạnh của công nghệ khi được khai thác đúng cách, quy trình sản xuất linh hoạt và có tính kết nối cao cũng mở rộng phạm vi tấn công của tội phạm mạng. Báo cáo mới nhất từ Kaspersky về các hệ thống tự động hóa công nghiệp đã cho thấy rằng, châu Á và châu Phi kém an toàn hơn so với toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2020.
Các khu vực của châu Á chiếm 4/5 vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng khu vực dựa trên tỷ lệ phần trăm số máy tính của hệ thống điều khiển công nghiệp (ICS) bị lây nhiễm nhiều nhất trong nửa đầu năm. Khu vực Đông Nam Á chiếm tỷ lệ phần trăm cao nhất, đứng đầu trong một số xếp hạng: 49,8% máy tính ICS bị tấn công bởi hoạt động phá hoại; 14,9% máy tính ICS bị tấn công bởi các mối đe dọa bảo mật Internet và 5,8% máy tính ICS bị tấn công bởi các file mã độc gửi kèm email.
Phần trăm máy tính ICS bị tấn công bởi các đối tượng phá hoại xét theo khu vực trên thế giới
Châu Phi đứng thứ hai trong khi các khu vực Trung, Đông và Nam Á bám đuổi sát sao tương ứng ở vị trí thứ ba, tư và năm.
Liên quan đến mã độc tống tiền, các khu vực châu Á vẫn đứng đầu với mức chênh lệch đáng kể về xếp hạng trong khu vực. Hơn một nửa số quốc gia nằm trong Top 15 khu vực APAC.
Top 15 quốc gia và vùng lãnh thổ xét theo phần trăm máy tính ICS bị mã độc tống tiền tấn công trong nửa đầu năm 2020
“Không ngạc nhiên khi các máy tính ICS tại khu vực APAC đứng trước nhiều mối đe dọa bảo mật nhất, vì khu vực này đang triển khai mạnh mẽ việc xây dựng một tương lai lấy khách hàng làm trung tâm. Các hệ thống thông minh và sản xuất tự động đòi hỏi những hệ thống phòng thủ thông minh, theo chiều sâu để phòng tránh những gián đoạn hoạt động do mã độc gây ra, với những hậu quả có thể ảnh hưởng tới cả môi trường thực tế và môi trường trực tuyến”, ông Neumeier cho biết thêm.
Để phòng tránh những tình huống nguy hiểm, cần phải có một cách tiếp cận an toàn ngay từ trong thiết kế (secure-by-design). Khả năng miễn dịch trước các tấn công an ninh mạng cần phải được tích hợp trong mọi môi trường mạng của các hệ thống công nghiệp, cả ở hiện tại và trong tương lai”.
Một ví dụ về ứng dụng an toàn và hữu ích của công nghiệp 4.0 đã được Kaspersky và Siemens hợp tác phát triển cho trang trại nổi thông minh nuôi cá của Singapore Aquaculture Technologies (SAT). Là cơ sở đầu tiên tại Singapore và được kỳ vọng sẽ sản xuất 350 tấn cá mỗi năm, cơ sở thủy sản trị giá 4 triệu đô la Singapore này sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân Singapore về sản phẩm cá chất lượng cao đồng thời vượt qua những thách thức mà biến đổi khí hậu gây ra, làm giảm sản lượng cá.
Ông Raimund Klein, Phó chủ tịch điều hành của Siemens Digital Industries khu vực Đông Nam Á cho biết: “Người tiêu dùng hiện nay quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm, môi trường nuôi trồng và quy trình thu hoạch trước khi thực phẩm đến tay họ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thách thức về môi trường, hoạt động sản xuất thực phẩm giờ đây vừa phải mang tính bền vững vừa phải mang tính đạo đức. Điều đó là có thể khi chúng ta sử dụng các công nghệ một cách đúng đắn”.
“Bằng cách ứng dụng công nghệ phân tích mang tính dự báo tiên tiến, như là máy học (machine learning) và phân tích hình ảnh (video analytics), chúng tôi đã giúp SAT dự đoán tiềm năng tăng trưởng sinh khối (biomass) và phòng tránh sự bùng phát của dịch bệnh, qua đó giảm tỷ lệ cá chết. Chúng tôi còn đang mở ra con đường đến với nền thủy sản có khả năng mở rộng và độ linh hoạt cao và trên hết là thân thiện với môi trường trong toàn bộ chuỗi giá trị”, ông bổ sung thêm.
Để bảo vệ môi trường ICS trước các vụ tấn công phá hoại, các tổ chức cần cho nhân viên tham gia chương trình đào tạo cơ bản về an ninh mạng, bởi vì rất nhiều vụ tấn công có chủ đích bắt đầu từ kỹ thuật lừa đảo hoặc đánh lừa; Thực hiện mô phỏng một vụ tấn công lừa đảo tương tự để đảm bảo rằng họ biết cách nhận biết các email lừa đảo.
Các tổ chức cũng cung cấp cho bộ phận SOC của DN khả năng truy cập vào những thông tin cập nhật nhất về mối đe dọa bảo mật.
Để phát hiện, điều tra và khắc phục sự cố kịp thời ở cấp độ thiết bị đầu cuối, các tổ chức cần triển khai các giải pháp EDR, nền tảng giải pháp để đối phó với các vụ tấn công có chủ đích… đảm bảo rằng việc bảo vệ cả thiết bị đầu cuối công nghiệp cũng như là các thiết bị của doanh nghiệp…
Tài liệu tham khảo:
- https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/uk/Documents/energy-resources/deloitte-uk-fourth-industrial-revolution.pdf
- https://ics-cert.kaspersky.com/reports/2020/09/24/threat-landscape-for-industrial-automation-systems-h1-2020/
- https://www.accenture.com/_acnmedia/PDF-77/Accenture-Pulse-Survey.pdf
- https://www.nytimes.com/2020/03/18/business/customization-personalized-products.html
Nguồn ictvietnam.vn