Trong năm 2019, lượng CTR phát sinh ngày càng lớn, có cơ cấu thành phần phức tạp, tính chất nguy hại tăng.
Lượng CTR sinh hoạt tăng nhanh, cơ cấu thành phần phức tạp, tỷ lệ chất thải nhựa cao
Năm 2019, tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 64.658 tấn/ngày (số liệu của 63 tỉnh/tp), trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 35.623 tấn/ngày (số liệu của 60 tỉnh/tp), khu vực nông thôn khoảng 28.394 tấn/ngày (số liệu của 59 tỉnh/tp). Có hơn ¼ địa phương có khối lượng phát sinh trên 1.000 tấn/ngày. Các địa phương có khối lượng phát sinh lớn là Tp. Hồ Chí Minh (9.400 tấn/ngày), Tp. Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hóa (2.175 tấn/ngày), Bình Dương (2.661 tấn/ngày). Các địa phương có khối lượng phát sinh ít là Bắc Kạn (191 tấn/ngày), Kon Tum (212 tấn/ngày), Điện Biên (253 tấn/ngày), Lai Châu (260 tấn/ngày) (Khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh năm 2019 của các địa phương tại Phụ lục III kèm theo).
Rác thải phát sinh từ hoạt động du lịch, lễ hội trung bình 1,8kg/ngày đêm/người (tăng 0,4kg so với năm 2018), tổng lượng rác thải phát sinh từ khách du lịch khoảng 474.000 tấn (tăng 151.400 tấn so với năm 2018).
Tỷ lệ chất thải nhựa trong CTR sinh hoạt khoảng 10 – 12%, ước tính có gần 2,6 – 2,8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trong năm 2019, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển.
Chất thải rắn y tế phát sinh trong năm 2019 có tăng, vùng Đông Nam Bộ phát sinh chất thải y tế nguy hại lớn nhất
Lượng CTR y tế phát sinh năm 2019 khoảng 96.727 tấn (tăng 7% so với năm 2018). Tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 21.810 tấn/năm (tăng 436 tấn so với năm 2018); trong đó: chất thải lây nhiễm phát sinh là 20.766 tấn/năm, chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm phát sinh 10.442 tấn/năm.
Lượng CTNH y tế phát sinh không đồng đều tại các địa phương, chủ yếu tập trung ở các tỉnh/Tp lớn. Xét theo 07 vùng kinh tế trong cả nước (trong đó vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc Bắc Bộ được gộp chung vào 01 vùng), vùng Đông Nam Bộ phát sinh lượng thải nguy hại lớn nhất trong cả nước (32%), với tổng lượng thải là 10.502,8 tấn/năm, tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 21%). Các tỉnh có mức thải CTNH lớn (> 500 tấn/năm) tính trong cả nước theo thứ tự như sau: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, An Giang, Cần Thơ, Nghệ An, Phú Thọ, Hải Phòng, Long An.
Lượng CTR công nghiệp tồn lưu tại các cơ sở sản xuất không tăng do lượng lớn được tái sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác, nhưng lượng CTNH công nghiệp tăng mạnh
Chất thải rắn công nghiệp phát sinh trong năm 2019 khoảng 25 triệu tấn (tương đương năm 2018). Lượng tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng hơn 13 triệu tấn. Lượng tro, xỉ tiêu thụ đạt hơn 6,5 triệu tấn, chiếm hơn 50% tổng lượng phát sinh (so với khoảng 39,5% của năm 2018). Nhiều nhà máy có tốc độ tiêu thụ tro xỉ tăng cao, như Thái Bình hơn 70%, Duyên Hải 3 đạt 85%, Nghi Sơn 1 đạt 85%, Hải Phòng, Cần Thơ, Ninh Bình đạt 100%, Vũng Áng 1 đạt 55%, riêng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tiêu thụ được khoảng 19% khối lượng phát sinh (so với khoảng 11% của năm 2018), Vĩnh Tân 1 mới đi vào hoạt động cuối năm 2018 tiêu thụ khoảng hơn 7%. Tro xỉ được sử dụng chủ yếu để làm nguyên liệu trực tiếp cho các nhà máy xi măng, sản xuất gạch không nung, phụ gia bê tông, làm vật liệu san lấp nền.
Theo báo cáo của các địa phương, lượng chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh trong năm 2019 khoảng 1.133.077 tấn (tăng 258.688 tấn so với năm 2018), tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp nhẹ, luyện kim, điện tử, hóa chất.
Lượng CTR nông nghiệp phát sinh lớn, đa dạng, trong năm có số lượng lớn gia súc phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi bùng phát
Trong năm 2019, ước tính lượng CTR phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm của các trang trại và nông hộ trên cả nước khoảng 86,92 triệu tấn (tăng 2,62 triệu tấn so với năm 2018); phụ phẩm từ một số loại cây trồng chính phát sinh khoảng 94.715 nghìn tấn, trong đó cây lúa có lượng phụ phẩm lớn nhất là 52.140 nghìn tấn, cây mía là 16.914 nghìn tấn, các loại khác như sắn, ngô, cà phê, đậu tương khoảng 25.661 nghìn tấn. Chất thải phát sinh từ hoạt động trồng rừng là 676,8 tấn (tăng 21,7 tấn so với năm 2018), trong đó từ rừng phòng hộ, đặc dụng là 33,5 tấn và rừng sản xuất là 643,3 tấn.
Chất thải nông nghiệp nguy hại chủ yếu phát sinh từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp (chai lọ đựng hoá chất BVTV và thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng), hoạt động chăm sóc thú y (chai lọ đựng thuốc thú y, dụng cụ tiêm, mổ). Năm 2019, số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy đã có 438.032 kg bao gói, chai đựng hoá chất thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, trong đó đã tiêu huỷ 346.013 kg.
Đặc biệt trong năm 2019, do sự bùng phát của dịch tả lợn Châu Phi, dịch lở mồm long móng và dịch cúm gia cầm nên số lượng gia súc bị tiêu hủy lên đến gần 6 triệu con với tổng trọng lượng là 342 nghìn tấn (chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước), số lượng gia cầm bị tiêu hủy là 23.000 con.
Bên cạnh đó, vật chất nạo vét trong năm được cấp phép nhận chìm ở biển khoảng gần 46 triệu m3; khối lượng đất, đá bóc phát sinh từ quá trình khai thác than và khoáng sản khoảng 165 triệu m3, trong đó từ khai thác than khoảng 153 triệu m3, khai thác khoáng sản khoảng 12 triệu m3; tổng CTR xây dựng phát sinh trong năm khoảng hơn 20 triệu tấn; phần lớn loại vật chất này được sử dụng san lấp hầm mỏ, mặt bằng, nhận chìm ở biển.
Nguồn Monre.gov.vn