Theo dự báo sớm của Trung tâm NCSC, lỗ hổng CVE-2021-1675 trên hệ điều hành Windows có thể bị tận dụng để tiến hành các chiến dịch tấn công có chủ đích APT lớn trên quy mô rộng trong thời gian ngắn sắp tới vào không gian mạng Việt Nam.
Lỗ hổng bảo mật có mã CVE-2021-1675 được Microsoft công bố mới đây có mức độ nguy hiểm cao (7.8/10), ảnh hưởng đến hầu hết các phiên bản của hệ điều hành Windows, bao gồm: Windows 10/8.1/7, Windows Server 2019/2016/2012/2008.
Tồn tại trong Windows Print Spooler, lỗ hổng này cho phép các đối tượng tấn công leo thang đặc quyền từ tài khoản người dùng thông thường có rất ít quyền.
Microsoft đã phát hành bản vá cho lỗ hổng bảo mật CVE-2021-1675 vào ngày 8/6. Tuy nhiên, đến ngày 16/6, qua công tác giám sát và đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng, đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã ghi nhận một số thông tin bổ sung mới cho rằng, lỗ hổng bảo mật CVE-2021-1675 có mức độ nguy hiểm cao hơn thực tế được công bố.
Theo đó, lỗ hổng này không chỉ đơn giản là khai thác được khi có quyền truy cập trực tiếp vào máy tính, máy chủ cài đặt phiên bản hệ điều hành Windows bị ảnh hưởng; mà còn có thể tấn công thông qua một mạng máy tính.
Qua phân tích và đánh giá, các chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho rằng, thông tin nêu trên có tính chính xác khá cao.
Trên cơ sở đó và thực tế triển khai công tác giám sát an toàn thông tin những năm qua, Trung tâm NCSC đã đưa ra dự báo sớm rằng: “Lỗ hổng CVE-2021-1675 hoàn toàn có thể được tận dụng để tiến hành các chiến dịch tấn công có chủ đích lớn trên quy mô rộng trong thời gian ngắn sắp tới vào không gian mạng Việt Nam”.
Căn cứ theo dự báo sớm này, Bộ TT&TT vừa đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần, các tổ chức tài chính chỉ đạo thực hiện một số việc để đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin của đơn vị mình, góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam.
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần kiểm tra, rà soát và xác định máy chủ, máy trạm sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng CVE-2021-1675. Thực hiện cập nhật bản vá bảo mật cho các máy bị ảnh hưởng theo hướng dẫn của Microsoft.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng cần tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng. Đồng thời, thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng.
Trong trường hợp cần hỗ trợ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên hệ với đầu mối hỗ trợ của Bộ TT&TT là Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, theo số điện thoại 02432091616 và thư điện tử ais@mic.gov.vn
APT (Advanced Persistent Threat) là hình thức tấn công mạng có mục tiêu cụ thể do tin tặc sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ thuật lừa đảo để đột nhập mạng mục tiêu và dai dẳng tập trung vào mục tiêu đó trong thời gian dài, cho đến khi cuộc tấn công diễn ra thành công (hoặc bị chặn đứng). Hậu quả của các cuộc tấn công APT là vô cùng nặng nề: tài sản trí tuệ bị đánh cắp (bí mật thương mại hoặc bằng sáng chế…); thông tin nhạy cảm bị xâm nhập (dữ liệu cá nhân, hồ sơ nhân viên…); cơ sở hạ tầng quan trọng của tổ chức bị phá hủy (cơ sở dữ liệu, máy chủ quản trị…) hay toàn bộ tên miền của tổ chức bị chiếm đoạt. |
Theo ICTNews