Sáng ngày 27/12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành Tài nguyên và Môi trường đã diễn ra Lễ ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET).
Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đồng chí Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ấn nút ra mắt mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia.
Hệ thống định vị bằng vệ tinh được Mỹ đưa vào sử dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 1990, Việt Nam lần đầu tiên ứng dụng công nghệ này trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Công nghệ định vị vệ tinh góp phần vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ VN-2000 đã được Thủ tướng Chính phủ công bố, đưa vào sử dụng. Đây cũng là công nghệ chủ yếu để xây dựng hơn 13.000 điểm tọa độ quốc gia phủ trùm lãnh thổ Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ định vị bằng vệ tinh trong những năm gần đây được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong tất cả các ngành kinh tế. Hầu hết các nước ở châu Âu, châu Á, Úc, Mỹ … đều đã xây dựng hệ thống trạm định vị vệ tinh của quốc gia mình và xem đây như là một hạ tầng không thể thiếu trong việc phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Không đứng ngoài xu thế đó, để nâng cao chất lượng xác định vị trí, tọa độ nhanh, có độ chính xác cao, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, tháng 10 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt dự án đầu tư Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam với sựu đồng thuận cao của các Bộ, ngành, địa phương.
Ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam giới thiệu về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia
Theo ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, đến nay, qua 4 năm xây dựng, lắp đặt, đào tạo và chuyển giao công nghệ của các chuyên gia đến từ Thụy Sỹ, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị trong Bộ và sự nỗ lực của các cán bộ kỹ thuật của Cục, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia đã được hoàn thành gồm 65 trạm phủ trùm cả nước và 01 Trung tâm xử lý dữ liệu tại Hà Nội.
Hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia gồm 24 trạm cơ bản phân bố đều trên cả nước có khoảng cách trung bình giữa các trạm 150-200 km được sử dụng làm khung tham chiếu quốc gia, nghiên cứu khoa học về trái đất, xác định dịch chuyển mảng được xác định với độ chính xác cỡ mm. Các khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Trung Trung bộ và Nam Bộ được chêm dày bởi 41 trạm định vị vệ tinh có khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 50-80km nhằm cung cấp dịch vụ định vị thời gian thực độ chính xác cao cỡ cm. Dữ liệu của 65 trạm định vị vệ tinh quốc gia được truyền trực tiếp qua mạng internet về Trung tâm xử lý dữ liệu tại Hà Nội để xử lý tính toán và cung cấp cho người sử dụng qua hệ thống sóng 3G, 4G theo thời gian thực.
Hiện nay, người sử dụng đã có thể đăng ký miễn phí các dịch vụ định vị mà hệ thống cung cấp cho thiết bị của mình tại địa chỉ http://vngeonet.vn
Với ưu điểm có độ chính xác cao, thời gian định vị nhanh, công nghệ trạm định vị vệ tinh quốc gia sẽ dần thay thế các công nghệ đo đạc truyền thống trong tương lai. Ngoài lĩnh vực đo đạc và bản đồ, công nghệ này còn được ứng dụng hiệu quả trong công tác định vị, dẫn đường, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, quản lý phương tiện, thiết bị, du lịch và là một thành phần không thể thiếu trong việc xây dựng các thành phố thông minh, vận tải hàng hóa đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo monre