Sáng ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn năm 2019 với chủ đề “32 năm nối tiếp hành trình bảo vệ tầng ô-dôn” và Hội thảo khởi động Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II) trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Việt Nam đạt được nhiều kết quả trong hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận
Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn kể từ tháng 01/1994, cam kết tuân thủ các quy định của Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, Việt Nam có nghĩa vụ kiểm soát và loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal. Các chất làm suy giảm tầng ô-dôn bị kiểm soát, loại trừ theo quy định của Nghị định thư Montreal bao gồm: CFC, Halon, CTC, HCFC và Methyl Bromide; các chất này được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, trong 25 năm qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn thực hiện Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal và đạt được nhiều kết quả được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thực hiện đúng lộ trình của Nghị định thư Montreal, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất CFC, Halon và CTC từ ngày 01/01/2010; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 01/01/2015, qua đó đã loại trừ được 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.
Thứ trưởng Lê Công Thành (ngồi giữa) chủ trì Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Bảo vệ tầng ô-dôn
Việt Nam phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về loại trừ các chất HFC
Bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chúng ta vẫn phải đối mặt với thách thức mới gắn liền với xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao – các chất hydro-fluoro-carbon (HFC), là những chất được sử dụng để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí ô tô, dập cháy.
Tại Khóa họp lần thứ 28 của các bên tham gia Nghị định thư Montreal vào tháng 10 năm 2016 diễn ra tại Kigali, Cộng hòa Ru-an-đa, các nước đã thông qua Bản sửa đổi, bổ sung Kigali để kiểm soát và loại trừ các chất HFC có xu hướng làm gia tăng sự nóng lên của khí hậu lên đến 0,4oC của nhiệt độ Trái đất vào cuối thế kỷ. Bản sửa đổi, bổ sung Kigali chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Theo lộ trình đã được thông qua, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ ngưng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 ở mức cơ sở và loại trừ dần các chất HFC, đến năm 2045 lượng tiêu thụ các chất HFC sẽ giảm 80% so với lượng tiêu thụ cơ sở.
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm
Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao trong các hoạt động bảo vệ tầng ô-dôn, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Ngày 04 tháng 9 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với với các Bộ, cơ quan liên quan, các tổ chức quốc tế để triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali đã được phê duyệt.
“Việc phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là thành viên tham gia Nghị định thư Montreal, tích cực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước, cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Triển khai thực hiện Bản sửa đổi, bổ sung Kigali loại trừ các chất HFC ở Việt Nam sẽ giúp loại trừ hàng triệu tấn CO2 tương đương, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những kết quả của Việt Nam trong thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và việc Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali.
“Những nỗ lực này đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam nhằm đóng góp vào nỗ lực toàn cầu giúp tránh cho nhiệt độ Trái Đất gia tăng 0,4oC vào cuối thế kỷ này, góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu. UNDP mong muốn tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện thành công Nghị định thư Montreal và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, đồng hành cùng Việt Nam chống biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn.” – Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh.
Bà Stefanie Stallmeister, đại diện Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Nỗ lực tiếp tục loại trừ các chất HCFC tại Việt Nam
Nhân dịp Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (HPMP II).
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, dự án được thực hiện trong giai đoạn 2018 – 2023 nhằm loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC. Dự án được triển khai thực hiện dự kiến sẽ hỗ trợ hơn 80 doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nhằm đạt mục tiêu loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, loại trừ các chất HCFC; nâng cao nhận thức của các ngành, người dân và các bên liên quan về loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam. Hiệp định tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới được chính thức ký kết ngày 07/3/2019. Đến nay, các hoạt động trong khuôn khổ Dự án đã và đang được tích cực triển khai thực hiện.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Điều hành hoạt động Dự án tại Việt Nam khẳng định, thông qua dự án, Ngân hàng thế giới mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công Nghị định thư Montreal trong tương lai thông qua chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và chuyển đổi công nghệ trong các lĩnh vực làm lạnh công nghiệp và điều hòa không khí gia dụng.
Tại Hội thảo, đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận để có những ý kiến đóng góp, đề xuất sáng kiến cho công tác bảo vệ tầng ô-dôn nói chung và việc loại trừ các chất HCFC, HFC ở Việt Nam nói riêng theo lộ trình thực hiện Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Theo monre.gov.vn