Những năm trước, tình trạng giết mổ gia súc tại nhà của các tiểu thương buôn bán gia súc, gia cầm diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Chất thải sau giết mổ không được xử lý chảy thẳng vào cống thoát nước sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường. Những năm gần đây, Lào Cai tăng cường xây dựng thêm các cơ sở giết mổ gia súc tập trung đây là một bài toán hay trong công tác bảo vệ môi trường.
Sau nhiều nỗ lực của chính quyền và sự quyết tâm của doanh nghiệp, đầu tháng 4/2022, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đầu tiên của thị xã đi vào hoạt động, bước đầu giải được bài toán khó cho đô thị du lịch Sa Pa. Cơ sở do Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Hà đầu tư tại phường Sa Pả có tổng kinh phí đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng, chủ đầu tư xây dựng đồng bộ từ nhà xưởng, hệ thống điện, nước đến khu xử lý chất thải; quy trình giết mổ khép kín, có xe vận chuyển đến tận chợ. Ở đây còn có dãy chuồng gia súc chưa giết mổ cho tiểu thương ký gửi. Với công suất thiết kế 35 đến 45 con gia súc/ngày, đêm (tương đương khoảng 3 tấn thịt và 300 kg nội tạng), cơ sở cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các tiểu thương trên địa bàn thị xã.
Theo bà Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa( Lào Cai), để xây dựng được cơ sở giết mổ gia súc tập trung với thị xã là một bài toán khó, bởi quỹ đất và kinh phí đầu tư lớn. Thị xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết, kết hợp linh hoạt giữa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách với việc giáo dục ý thức trách nhiệm của công dân với cộng đồng. Đồng thời, phát huy tối đa Quy chế dân chủ ở cơ sở bằng việc tham khảo, lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của những người đang hành nghề giết mổ gia súc, gia cầm, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong thực hiện, tạo điều kiện để người dân tiếp tục kinh doanh mà không bị gián đoạn, mất khách hàng.
Chính thức hoạt động từ tháng 3/2021, cơ sở giết mổ tập trung tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai( Lào Cai) đang thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y. Ông Nguyễn Trọng Khánh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Si Ma Cai(Lào Cai) cho biết: Đối với gia súc khỏe mạnh, không có dấu hiệu nhiễm bệnh thì sẽ được cho vào giết mổ. Tuy nhiên, trong quá trình giết mổ, chúng tôi vẫn kiểm tra thân thịt, nội tạng, các phế phụ phẩm đầu ra, nếu an toàn mới đóng dấu kiểm soát giết mổ. Hiện nay, huyện đã kiểm soát được 90% lượng gia súc xuất, nhập và giết mổ trên địa bàn.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai, toàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 480 hộ hành nghề giết mổ gia súc để kinh doanh. Hoạt động giết mổ chủ yếu được thực hiện tại hộ, xen kẽ trong khu dân cư. Điều này không những gây khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh và thực hiện các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng trên, ngày 13/4/2021, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 176 về xây dựng, quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ xây dựng 38 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ tại các xã, phường, thị trấn; công suất giết mổ tối thiểu từ 10 đến 50 con/cơ sở/ngày đêm. Cơ sở giết mổ theo quy mô này có các công trình xử lý chất thải, nước thải phát sinh theo quy trình sinh học, từng bước xóa bỏ hoàn toàn việc giết mổ gia súc, gia cầm kinh doanh nhỏ lẻ ở hộ gia đình. Mục tiêu đề ra đáp ứng nhu cầu giết mổ khoảng 113.000 con gia súc, hàng chục vạn con gia cầm/năm.
Đến nay, 6 xã, thị trấn thuộc các huyện: Văn Bàn, Si Ma Cai, Bảo Thắng, Mường Khương, Bảo Yên, thị xã Sa Pa xây dựng được cơ sở giết mổ. Theo ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng đến chính quyền cơ sở để thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cơ cơ sở giết mổ quy mô nhỏ, với mục tiêu đến hết năm 2022, toàn tỉnh xây dựng 11 cơ sở. Mỗi huyện, thành phố, thị xã xây dựng ít nhất 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung.
Tỉnh Lào Cai cũng khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ theo hình thức xã hội hóa như một ngành nghề kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ quy mô nhỏ được hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị, mức hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư, không quá 1 tỷ đồng/cơ sở.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần quyết liệt trong việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/