Là một trong những khu vực ô nhiễm rác thải nhựa nghiêm trọng, ASEAN cũng là mảnh đất màu mỡ cho các phong trào, sáng kiến hay mô hình giảm thiểu, tái chế, tái sửa dụng nhựa. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nên sự gia tăng đột ngột nhựa sử dụng một lần và các chính sách còn cần thời gian để đi vào thực tiễn, đây là “nguồn năng lượng” để giữ vững các thành quả chống ô nhiễm nhựa và thúc đẩy làn sóng dâng cao trong cộng đồng.
Ươm mầm các ý tưởng thiết thực
Một trong những sáng kiến kết nối cộng đồng ASEAN nổi bật năm 2020 là cuộc thi Thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC) do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam khởi xướng. Cuộc thi chào đón tất cả các nhà sáng tạo đến từ 10 nước thành viên ASEAN, bao gồm: các doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức học thuật, các cơ quan Nhà nước và các cá nhân tới chia sẻ những ý tưởng sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở Vịnh Hạ Long (Việt Nam) hoặc đảo Koh Samui (Thái Lan). Đồng thời, thúc đẩy giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại các vùng duyên hải tại Việt Nam, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a và Phi-lip-pin.
Theo bà Caitlin Wiesen – Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cuộc thi chú trọng đến các giải pháp giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã được phát triển, nhưng đang thiếu sự hỗ trợ hoặc gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô. Các nhà sáng tạo sẽ có cơ hội nhận được nguồn tài trợ vốn “mồi” và đào tạo ươm mầm, giúp họ tối đa hóa cơ hội thành công.
Chung tay thu gom rác thải nhựa vì một Vịnh Hạ Long xanh. Ảnh: MH |
Trong số 159 hồ sơ ý tưởng gửi về cuộc thi, Ban Tổ chức đã chọn ra 15 ý tưởng sẽ tham gia phần thi tranh biện do UNDP và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức vào đầu năm 2021. 4 ý tưởng tốt nhất sẽ được đào tạo ươm mầm và nhận 18.000 USD, đồng thời, kết nối với các Quỹ đầu tư trong khu vực. Không dừng lại ở phát triển các ý tưởng, Ban Tổ chức hướng tới nâng cao năng lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia ASEAN. Từ đó, hình thành Trung tâm nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa đại dương của khu vực.
Để phong trào lan tỏa bền vững
Dự án trên chỉ là một trong hơn 50 dự án liên quan đến giảm ô nhiễm rác thải nhựa được các tổ chức phi Chính phủ triển khai tại Việt Nam. Bên cạnh đó, còn hàng trăm, hàng nghìn các phong trào, cuộc vận động trong cộng đồng do các tổ chức, chính quyền, các Bộ, ngành đến người dân liên tục tuyên truyền triển khai, nhằm hưởng ứng “Phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Theo ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT), phong trào đã lan toả và mang lại những kết quả tích cực. “Nhiều nơi đang hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác. Một số địa phương đã vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch… cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường”.
Dù là hoạt động mang tính thời điểm, hưởng ứng trong 1 hoặc vài ngày, hay dự án, mô hình thí điểm kéo dài vài tháng, vài năm, điểm chung là góp phần tạo nên phong trào rộng khắp, từng bước thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa tại Việt Nam. Tuy nhiên, để giữ vững được hiệu quả từ các phong trào này không phải điều đơn giản. Khó khăn hiện nay là người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng túi ni lông do giá thành rẻ và tiện lợi. Trong khi đó, các sản phẩm thân thiện với môi trường còn chưa được bán phổ biến và cần công nhận chất lượng đạt chuẩn của cấp có thẩm quyền cấp phép. Rác thải không được phân loại tại nguồn dẫn đến chất lượng rác không bảo đảm, khó cho các công nghệ xử lý, tái chế.
Thực tế, cách đây vài năm, cuộc vận động phân loại rác thải tại nguồn 3R từng “lụi” dần dù đã rất được các cấp chính quyền chú trọng tạo điều kiện. Theo ông Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ Chương trình Phụ trách chất thải và Kinh tế tuần hoàn của UNDP Việt Nam, đây là bài học kinh nghiệm lớn cho các dự án cộng đồng về rác thải tại Việt Nam sau này. Đó là phải triển khai đồng bộ các giải pháp trong hệ thống thu gom, phân loại, xử lý tái chế nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc tạo ra giá trị thặng dư từ rác thải nhựa, nhằm giữ cho những người tham gia hệ thống vận hành ổn định và lâu dài. Ông Vĩnh cũng nhấn mạnh việc huy động khối doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực xử lý rác thải nhựa. Trong cuộc thi EPIC, ý tưởng của khối doanh nghiệp, cá nhân chiếm tới gần 2/3 lượng hồ sơ tham dự, và đều đã mang lại lợi nhuận khả quan. Điều này cho thấy tiềm năng kinh tế to lớn từ lĩnh vực này.
Nguồn monre.gov.vn