Các khuyến nghị bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quy trình làm việc trực tuyến vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) hướng dẫn, trong đó lưu ý các đơn vị, cơ quan, tổ chức cần nâng cao nhận thức về bảo mật cho người làm việc.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, mọi hoạt động, sinh hoạt của con người phải đặt trong giới hạn, khuôn phép. Việc tụ họp đông người, làm việc tập thể sẽ tiềm ẩn những nguy cơ lây chéo bệnh, gây khó khăn cho kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh. Vì lẽ đó, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó phương thức tối ưu lựa chọn cho các cơ quan, đơn vị là làm việc trực tuyến.
Vậy để làm việc trực tuyến trên môi trường mạng hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật thông tin cho hệ thống, an ninh mạng là vấn đề quan trọng, các cơ quan, đơn vị cần phải chú ý.
Theo đó, Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra một số khuyến nghị bổ sung các quy định để bảo đảm tốt an toàn, an ninh mạng cho người dùng.
Theo ý kiến một số chuyên gia mạng, Internet phát triển thì làm việc trực tuyến đang là xu hướng của thế giới. Trong hơn 1 tháng trở lại đây, mức độ sử dụng các hệ thống trực tuyến (online) hiện nay đã tăng lên từ 18% – 22% và tiếp tục có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới.
Theo đó, các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng cần bổ sung các quy trình làm việc trực tuyến như: truy cập từ xa an toàn và các yêu cầu liên quan thiết bị cá nhân, thiết lập tài khoản mới, quản lý vả thiết lập mật khẩu an toàn, mã hóa tất cả dữ liệu nhạy cảm được lưu trữ trên thiết bị hoặc hoàn toàn không lưu trữ dữ liệu nhạy cảm trên các thiết bị cá nhân…
Trong các quy trình đó, người dùng cần thuần thục, hiểu biết, nắm bắt và chủ động, ví như: việc thiết lập mật khẩu an toàn có thể sử dụng nhiều loại phần mềm như ứng dụng hỗ trợ, như Dashlane (chương trình quản lý mật khẩu dựa trên nền tảng duy nhất, tích hợp các trình duyệt Web), hay có thể sử dụng mật khẩu dạng Passphrase (cụm từ để đặt chuỗi chữ cái ẩn ý liên quan đến nhiều từ)…
Còn đối với việc mã hóa dữ liệu cũng nên lựa chọn những phương pháp bảo mật phổ biến và hiệu quả nhất, giúp bảo vệ dữ liệu số khi nó được lưu trữ trên các hệ thống máy tính và truyền qua Internet hay các mạng máy tính khác
Bên cạnh đó, Cục ATTT cũng khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tăng cường các kiến thức CNTT cho nhân viên thông qua các lớp tập huấn, buổi hội thảo công nghệ (bằng hình thức online) để người dùng vững kiến thức, ứng dụng, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về việc chia sẻ tài liệu an toàn.
Ngoài ra, một trong số những tiêu chí để đồng bộ các giải pháp trên, các cơ quan, tổ chức cần kiểm soát an toàn truy cập và bảo đảm hệ thống kết nối thường xuyên liên tục, nhằm chống lại các mối đe dọa phổ biến và các cuộc tấn công từ chối dịch vụ hay phá hoại.
Nếu chúng ta không kiểm soát tốt việc an toàn khi truy cập, khi vận hành hệ thống xử lý trực tuyến dễ gặp phải khả năng bị sửa đổi, đánh cắp, phá hủy dữ liệu và chương trình là rất cao, có thể làm hệ thống thông tin ngừng hoạt động, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới công việc đang diễn ra.
Hiện nay, Cục ATTT đang tập trung triển chương trình khai giám sát, đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quốc gia, trong đó có hệ thống theo dõi, thống kê tình hình lây nhiễm mã độc, hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn, an ninh mạng phục vụ chính phủ điện tử (CPĐT). Cả hai chương trình hoạt động đến nay đều thu những kết quả cao.
Hệ thống theo dõi, thống kê tình hình lây nhiễm cho phép truy xét đến từng máy tính, còn hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn, an ninh mạng phục vụ chính phủ điện tử cho phép chia sẻ thông tin giám sát phục vụ phân tích, cảnh báo sớm nguy cơ mất .
Với những khuyến nghị, hướng dẫn trên, hy vọng các đơn vị, cơ quan, tổ chức luôn đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong quy trình làm việc trực tuyến, phát huy hiệu quả cao nhất trong công việc.
Nguồn ictvietnam.vn