Cử tri kiến nghị cần tăng cường giám sát về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các con sông nói chung và với các con sông thuộc khu vực miền Trung – Tây nguyên nói riêng, bởi đa phần các con sông khu vực miền Trung – Tây nguyên không lệ thuộc, bắt nguồn từ bên ngoài, chủ yếu là do tác động của người dân chúng ta. Theo đó, đặc biệt quan tâm giám sát chỉ tiêu cụ thể hằng năm về độ che phủ của rừng; hệ thống xử lý nước thải đối với các khu đô thị, khu công nghiệp – dịch vụ ven sông; việc thực hiện các chế tài và việc xử phạt khi xảy ra vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận ý kiến của cử tri về việc cần tăng cường giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại các dòng sông. Trong giai đoạn 2016 – 2019, chất lượng nước tại các dòng sông lớn và các điểm nóng về ô nhiễm môi trường lưu vực sông có xu hướng cải thiện dần theo từng năm. Tuy nhiên, do áp lực của phát triển kinh tế – xã hội, các nguồn xả thải vào các lưu vực sông lớn ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại khu vực trọng điểm, đô thị lớn. Để tăng cường kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường các dòng sông lớn, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp sau đây:
Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước và hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan về quản lý các nguồn thải và chất lượng môi trường nước bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với luật pháp quốc tế, trong đó, đặc biệt quan trọng là sửa đổi, trình Quốc hội ban hành dự án Luật Bảo vệ môi trường; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, hệ thống văn bản quy định về thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các quy định về cưỡng chế, các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng nhóm chính sách, công cụ để tính toán được sức chịu tải của môi trường nước sông làm căn cứ cấp phép xả vào nguồn nước theo khả năng chịu tải, xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam.
Hai là, rà soát, đánh giá các chiến lược, đề án, dự án, nhiệm vụ lớn thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường nước, đặc biệt là các đề án bảo vệ môi trường các lưu vực sông.
Ba là, rà soát các quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường lưu vực sông, đảm bảo không có sự chồng chéo, mâu thuẫn. Triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, đảm bảo phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường. Quy hoạch và phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để giám sát chặt chẽ, cảnh báo chất lượng môi trường trên phạm vi cả nước.
Bốn là, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là năng lực quan trắc môi trường, kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường nhằm theo dõi và phát hiện kịp thời những khu vực ô nhiễm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh, đặc biệt là chương trình phối hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm nước sông liên tỉnh vào mùa khô; các hoạt động gây ô nhiễm tại các điểm có nguy cơ ô nhiễm cao như khu vực nuôi trồng thủy sản, khu tiếp nhận nhiều nguồn thải, bến cảng, bến thủy nội địa trên sông… Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý lưu vực sông theo hướng tổng hợp có tính chất liên vùng, liên ngành, thay thế các Ủy ban lưu vực sông trước đây và có đủ thẩm quyền, đủ nguồn lực để giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành, điều tiết hài hòa lợi ích trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước.
Năm là, điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường, tập trung vào các nguồn thải lớn (100 m3/ngày.đêm trở lên), có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường. Từng bước quản lý các nguồn gây ô nhiễm nhỏ lẻ, phân tán, các nguồn thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, nước mưa chảy tràn qua các khu vực ô nhiễm…
Sáu là, đẩy mạnh việc lập và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước tại các địa phương theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP; lập danh mục các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt để có giải pháp cải thiện, phục hồi. Thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt tại các ao, hồ, sông, kênh, rạch trong các đô thị, khu dân cư, làng nghề.
CTTĐT