Cử tri kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về môi trường. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này đối với công tác bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giảm số lượng các cơ sở thanh tra theo kế hoạch, tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào các cơ sở có quy mô lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe và tạo dư luận buộc các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quan tâm, đầu tư cho môi trường. Qua thanh tra, kiểm tra cả nước đã phát hiện 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (giảm 4,26%) với 2.440 tổ chức và 17.347 cá nhân vi phạm; cơ quan điều tra đã khởi tố 347 vụ, 357 bị can; xử lý hành chính 18.847 trường hợp, phạt trên 223,4 tỷ đồng[1]. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai nhiều công cụ, biện pháp nhằm tăng cường giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở như: tăng cường quan trắc, giám sát tự động, công khai thông tin; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng và người dân; thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập làm giảm hiệu lực hiệu quả. Lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra từ Trung ương, địa phương còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác bảo vệ môi trường, trang thiết bị cho hoạt động thanh tra, kiểm tra còn thiếu, lạc hậu. Trong khi đó, các quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường. Ví dụ như, theo quy định của pháp luật về thanh tra, các đoàn thanh tra sau khi có quyết định thành lập phải thông báo trước cho đối tượng thanh tra biết. Quy định này không phù hợp với đặc thù trong lĩnh vực môi trường đòi hỏi phải đảm bảo tính đột xuất, không để các doanh nghiệp có thời gian đối phó (dừng hoạt động xả thải trộm, hay có hành vi pha loãng nước thải trong thời gian thanh tra). Luật cũng quy định thời gian thanh tra chỉ thực hiện trong giờ hành chính là không phù hợp do các hành vi xả thải trộm chủ yếu được doanh nghiệp thực hiện vào ban đêm để tránh bị phát hiện.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, tăng cường các hoạt động thanh tra đột xuất; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa và nâng cao nghiệp vụ cho các bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp tục kiến nghị Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra phù hợp với đặc thù của hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, qua đó, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này.
CTTĐT