CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Khai thác khoáng sản phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường

0

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cải thiện chất lượng môi trường đã được quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015. Trong đó, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản.

Theo quy định mới, các đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt gồm: Các dự án khai thác khoáng sản được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường sau ngày 1/7/2019; cơ sở khai thác khoáng sản đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường trước ngày 1/7/2019 nhưng chưa có phương án được phê duyệt.

Các đối tượng trên nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây phải lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường: Thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường; Tổ chức, cá nhân đề nghị thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án (bao gồm cả phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung) đã được phê duyệt; Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi kinh phí cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt không đủ để thực hiện.

Có 2 trường hợp không phải lập Đề án: 1- Tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản đã có Dự án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt và đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định; 2- Tổ chức, cá nhân khai thác vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật Khoáng sản.

Nghị định cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại quỹ bảo vệ môi trường địa phương hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Số tiền ký quỹ phải được tính toán bảo đảm đủ kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường căn cứ vào các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tiền ký quỹ được hưởng lãi suất bằng lãi suất cho vay của quỹ bảo vệ môi trường nơi ký quỹ và được tính từ thời điểm ký quỹ.Tổ chức, cá nhân chỉ được rút tiền lãi một lần sau khi có quyết định đống cửa mỏ khoáng sản.

Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ trên cơ sở tổ chức, cá nhân đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt.

Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã ký quỹ nhưng giải thể hoặc phá sản và chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng phương án được phê duyệt thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của dự án khai thác khoáng sản có trách nhiệm sử dụng số tiền đã ký quỹ bao gồm cả tiền lãi để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.

Mục đích của việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là để đảm bảo tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Về phương thức ký quỹ, trường hợp Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn dưới 3 năm phải thực hiện ký quỹ một lần.Mức tiền ký quỹ bằng 100% số tiền được phê duyệt.

Trường hợp Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn 3 năm trở lên thì được phép ký quỹ nhiều lần. Theo đó, đối với Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn dưới 10 năm thì mức ký quỹ lần đầu bằng 25% tổng số tiền ký quỹ; đối với Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 10 năm đến dưới 20 năm thì mức ký quỹ lần đầu bằng 20% tổng số tiền ký quỹ; đối với Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 20 năm trở lên thì mức ký quỹ lần đầu bằng 15% tổng số tiền ký quỹ. Số tiền ký quỹ những lần sau được tính bằng tổng số tiền ký quỹ trừ đi số tiền ký quỹ lần đầu, chia đều cho các năm theo dự án đầu tư được phê duyệt hoặc thời gian còn lại theo Giấy phép khai thác khoáng sản.

Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn việc ký quỹ một lần cho toàn bộ số tiền ký quỹ.

Theo nguồn Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.