Trong nhiệm kỳ qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đạt nhiều kết quả tích cực. Các kết quả tiêu biểu được ghi nhận trong công tác giải quyết thủ tục hành chính; kiểm soát nguồn gây ô nhiễm; quản lý chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm; quan trắc, thông tin báo cáo về môi trường….
Giải quyết thủ tục hành chính về môi trường
Đã trả kết quả, thẩm định, phê duyệt 38 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; 1558 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 66 báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường; cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT cho 455 dự án; 55 Phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; 72 đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh cho Giấy phép xử lý chất thải nguy hại cho 118 cơ sở xử lý chất thải nguy hại; cấp, cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với 384 đơn vị; chỉ định tổ chức đủ điều kiện giám định phế liệu đối với 15 đơn vị; giấy phép vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại cho 16 đơn vị; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường đối với 478 tổ chức; Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện với môi trường đối với 39 đơn vị; cấp Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam đối với 24 đơn vị.
Kiểm soát nguồn ô nhiễm
Đến nay đã có khoảng 5.000 dự án đầu tư đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt đối với 1.558 báo cáo; các bộ, ngành và địa phương thẩm định, phê duyệt đối với 3.442 báo cáo.
Hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đã những có chuyển biến tích cực. Đến nay, trên cả nước có 250/280 (89%) KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 219/250 (87,6%) KCN đã thực hiện đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục. Cả nước hiện có 276/698 (40%) CCN có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án BVMT; 115 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 25/115 (21,7%) CCN có hệ thống quan trắc tự động nước thải.
Phối hợp với các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 03 đề án BVMT lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ – sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai. Đã có 22/22 tỉnh, thành phố trên 03 lưu vực sông đã phê duyệt và triển khai Kế hoạch thực hiện; 16/16 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy và hệ thống sông Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án trên địa bàn.
Tính đến nay, đã có 407/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, đạt tỷ lệ 92,71% (tăng 03 cơ sở so với năm 2018), 312/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg cơ bản hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm tỷ lệ 72,7%.
Quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất: Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đã đạt 13%, tăng khoảng 5% so với năm 2010. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý cũng được tăng lên, tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 92% (năm 2010 tỷ lệ này là 82%, năm 2015 tỷ lệ này là xấp xỉ 85%), tại khu vực nông thôn trung bình đạt khoảng 66% (giai đoạn 2011 – 2015 tỷ lệ là khoảng 40%). Tính đến hết năm 2019, 118 cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên toàn quốc đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Đến nay, trên toàn quốc có 384 đơn vị được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; 15 tổ chức được chỉ định tham gia hoạt động giám định phế liệu nhập khẩu. Đặc biệt, đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; hiện đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu (thay thế Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg).
Quản lý chất lượng môi trường
Hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường được đẩy mạnh. Kết quả sau 05 năm, 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật được xử lý hoàn toàn; hơn 440 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu được phát hiện mới và kiểm soát chặt chẽ; 262 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, 53 bãi rác, trên 60 kho thuốc thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý.
Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Giai đoạn 2016-2020, tiếp tục triển khai các chương trình bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; ban hành 21 Quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký đủ điều kiện; Trong giai đoạn 2016 – 2019, Việt Nam có thêm 06 khu bảo tồn; 02 khu Ramsar và 10 Vườn di sản ASEAN; nâng tổng số các khu bảo tồn của Việt Nam lên 172.
Giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ đã thành lập các Tổ giám sát môi trường để giám sát các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng tại ba miền Bắc, Trung, Nam; triển khai thanh tra, kiểm tra tại 3.039 cơ sở và KCN, xử phạt 1.410 cơ sở với số tiền hơn 242 tỷ đồng; đẩy mạnh việc tổ chức các đoàn giám sát môi trường đối với các dự án sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đã thiết lập, vận hành đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh kiến nghị về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương; ban hành Quy chế phối hợp xử lý các vụ việc về môi trường, sự cố môi trường; hướng dẫn các địa phương xử lý, ứng phó, giải quyết các vụ việc, sự cố môi trường khi xảy ra trên địa bàn; triển khai xây dựng hướng dẫn xử lý số liệu quan trắc online tự động. Từ năm 2018 đến hết ngày 08/5/2020, đã nhận được tổng số 1.494 thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường, trong đó có 989 vụ việc đã được xử lý và còn lại 505 vụ việc các địa phương chưa xử lý.
Quan trắc, thông tin, báo cáo môi trường
Thực hiện tốt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; duy trì 09 chương trình quan trắc môi trường tại các lưu vực sông, nước mặt; 03 chương trình quan trắc môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm; 02 chương trình quan trắc tác động gồm: Quan trắc môi trường nước lưu vực sông Cầu; Nhuệ – Đáy; Mã; Hồng – Thái Bình, Đà; Cả La; sông Trà Khúc; Hệ thống sông Đồng Nai; nước mặt vùng Tây Nam Bộ; Vu Gia-Thu Bồn… Hiện nay, đang triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 14/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
CTTĐT