Thực hiện nhiệm vụ Quan trắc môi trường quốc gia hàng năm, từ ngày 10/8-29/8/2020, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thực hiện quan trắc môi trường nước mặt đợt 4 năm 2020 tại khu vực miền Nam với tổng số 70 điểm (gồm 58 điểm quan trắc nước mặt lục địa, 12 điểm quan trắc nước biển ven bờ và cửa sông ven biển). Trong đó, trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (sông Đồng Nai 17 điểm, sông Sài Gòn 18 điểm, sông Thị Vải 06 điểm, sông Vàm Cỏ 08 điểm) và sông Tiền (09 điểm) với 15 thông số quan trắc cơ bản gồm (pH, nhiệt độ, EC, TDS, DO, BOD5, COD, TSS, Amoni, Nitrit, Nitrat, Cd, Fe, Pb, CN-) và 04 thông số lựa chọn (hóa chất BVTV, As, Hg, Clorua).
Kết quả quan trắc môi nước mặt khu vực miền Nam đợt 5 năm 2020 cho thấy:
Đối với chất lượng nước mặt: Kết quả tính toán chỉ số chất lượng nước WQI cho thấy chất lượng nước mặt đợt 5/2020 trên hệ thống sông khu vực miền Nam có xu hướng cải thiện hơn so với đợt 4/2020 (58,6% điểm có giá trị WQI đợt 5 tăng so với đợt 4). Tuy nhiên, giá trị TSS và Fe có xu hướng gia tăng do trong vùng bước vào mùa mưa chính (đặc trưng lượng phù sa trong nước sông nên giá trị TSS vẫn duy trì khá cao tại các điểm thượng nguồn sông). Ô nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra tại các điểm nóng về môi trường (Cầu Chữ Y, Cầu Ông Buông, Cầu An Lộc – sông Sài Gòn).
Kết quả quan trắc trầm tích nước ngọt đợt 5/2020 cho thấy giá trị các thông số As, Pb có xu hướng tăng so với đợt 2/2020 nhưng hầu hết đều nằm trong giới hạn quy định theo QCVN 43:2017/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích, ngoại trừ điểm Bến phà Nam Cát Tiên có giá trị As vượt 1,7 lần so với QCCP.
Đối với chất lượng nước biển ven bờ và cửa sông ven biển: Kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nước biển ven bờ đợt 5/2020 có hàm lượng TSS và Fe tăng hơn so với đợt 4/2020 và vượt quy chuẩn cục bộ tại các điểm Biển Cần Giờ, Biển An Lộc (giá trị Fe vượt QCCP) và Bãi biển Tân Thành (giá trị TSS và Fe vượt QCCP). Chất lượng nước cửa sông ven biển đợt 5/2020 bị suy giảm so với đợt 4/2020, nước cửa sông ven biển có hàm lượng TSS, N-NH4+, P-PO43-, Fe khá cao, vượt quy chuẩn cục bộ tại một số điểm quan trắc và giá trị DO không đạt quy chuẩn quy định tại khu vực Cửa Tiểu-sông Tiền.
Kết quả quan trắc trầm tích nước mặn, nước lợ cho thấy giá trị các thông số As và Pb có xu hướng tăng hơn so với đợt 1/2020 nhưng đều nằm trong giới hạn quy định theo QCVN 43:2017/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích.
Về đánh giá chi tiết diễn biến chất lượng môi trường được trình bày theo từng thành phần, cụ thể như sau: Đối với nước mặt lục địa, thời gian quan trắc đợt 5/2020 vào tháng 8, kết quả quan trắc cho thấy giá trị TSS thông số TSS là 39,7% (đợt 4/2020 là 12,1%) và tỷ lệ vượt chuẩn của thông số Fe là 69% (đợt 4/2020 là 48,3%). Giá trị BOD5 và COD có xu hướng tăng nhẹ, tỷ lệ vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT lần lượt là 17,2% và 27,6% (đợt 4/2020 tỷ lệ vượt lần lượt là 15,5% và 20,7%). Một số khu vực vẫn có mức độ ô nhiễm dinh dưỡng cao (tồn tại dưới dạng Amoni và Nitrit): giá trị Amoni và Nitrit giảm nhẹ so với đợt 4/2020, tỷ lệ vượt chuẩn lần lượt là 20,9% và 17,2% (đợt 4/2020 tỷ lệ vượt chuẩn lần lượt là 34,5% và 20,7%). Tỷ lệ điểm quan trắc có giá trị DO không đạt ngưỡng quy định của QCVN 08-MT:2015/BTNMT là 34,5% (đợt 4/2020 là 44,8%).
Kết quả tính toán chỉ số chất lượng nước WQI trong đợt 5 năm 2020 cho thấy: sông Tiền và sông Thị Vải đợt này có chất lượng nước tốt nhất; tiếp đến là sông Đồng Nai có chất lượng nước cũng tương đối tốt; sông Vàm Cỏ có chất lượng nước cải thiện hơn đợt 4/2020 và sông Sài Gòn có chất lượng nước chưa tốt (tương đương đợt 4/2020). Cụ thể:
Chi tiết diễn biến chất lượng nước trên các sông cụ thể như sau:
Chất lượng nước sông Thị Vải đợt 5/2020 có xu hướng cải thiện so với đợt 4/2020, có 66,7% giá trị WQI từ 91– 100 (nguồn nước sử dụng tốt cho cấp nước sinh hoạt) và 33,3% giá trị WQI từ 76– 90 (nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý phù hợp) (đợt 4/2020 có 50% giá trị WQI từ 91 – 100 và 50% giá trị WQI từ 76– 90).
Chất lượng nước sông Tiền suy giảm hơn so với đợt 4/2020, có 77,8% giá trị WQI từ 91 – 100 (nguồn nước sử dụng tốt cho cấp nước sinh hoạt) (đợt 4/2020 là 88,9%) và có 22,2% giá trị WQI từ 76 – 90 (Nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý phù hợp) (đợt 4/2020 là 11,1%).
Chất lượng nước sông Đồng Nai được cải thiện so với đợt 4/2020, có 60% giá trị WQI từ 91 – 100 (nguồn nước sử dụng tốt cho cấp nước sinh hoạt) (đợt 4/2020 là 25%); 40% giá trị WQI từ 76-90 (nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý phù hợp) (đợt 4/2020 có 60% giá trị WQI từ 76-90 và 15% giá trị WQI từ 51-75).
Sông Vàm Cỏ có chất lượng nước được cải thiện so với đợt 4/2020, 12,5% giá trị WQI từ 76-90 (nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý phù hợp); có 50% giá trị WQI từ 51-75 (Sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương) và 37,5% giá trị WQI từ 26-50 (Sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương) (đợt 4/2020 có 37,5% giá trị WQI từ 51-75, 37,5% giá trị WQI từ 26-50 và có 25% giá trị WQI < 10 (Nước nhiễm độc cần có biện pháp khắc phục, xử lý)).
Trên sông Vàm Cỏ, điểm cầu An Hạ đợt 5/2020 (WQI=37) có chất lượng nước suy giảm so với đợt 4/2020 (WQI=49) và thấp nhất trong các điểm quan trắc do nước có hàm lượng TSS, Fe, BOD5, COD và N-NH4+ tăng cao so với đợt 4/2020 lần lượt 6,2 lần, 4,7 lần, 1,7 lần, 2,0 lần và 1,1 lần, với tỷ lệ vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT lần lượt là 4,0 lần, 3,1 lần, 1,5 lần, 1,6 lần và 3,3 lần.
Chất lượng nước sông Sài Gòn tương đồng so với đợt 4/2020, có 26,6% giá trị WQI từ 76 – 100 (nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý phù hợp), 46,7% giá trị WQI từ 51-75 (Sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương) và 26,7% giá trị WQI từ 26-50 (Sử dụng cho giao thông thuỷ và các mục đích tương đương).
Các điểm có giá trị WQI thấp trên sông Sài Gòn là những điểm đang có dấu hiệu ô nhiễm dinh dưỡng (đặc trưng bởi thông số N-NH4+, N-NO2-) và ô nhiễm hữu cơ (đặc trưng bởi thông số BOD5 và COD). Mức độ ô nhiễm dinh dưỡng (tồn tại dưới dạng N- NH4 +) cao nhất trên sông Sài Gòn là khu vực Cầu Ông Buông, giá trị N-NH4 + vượt quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột B1 21,1 lần và có xu hướng tăng so với đợt 4/2020 (vượt 3,1 lần).
Các điểm nội ô Tp. Hồ Chí Minh (Cầu Ông Buông, Cầu Chữ Y và Cầu An Lộc) có mức độ ô nhiễm hữu cơ cao, giá trị BOD5 và COD có xu hướng tăng so với đợt 4/2020. Trong đó, vị trí Cầu Ông Buông có giá trị BOD5 và COD cao nhất (lần lượt là 70 mg/L và 124 mg/L) và tăng cao so với đợt 4/2020 (giá trị BOD5 và COD đợt 4/2020 tại vị trí này lần lượt là 11mg/L và 33 mg/L), vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột B1 tương ứng 4,7 lần và 4,1 lần. Thời điểm quan trắc ghi nhận nước triều lên, nước đen đục và có mùi hôi, giá trị DO đo được rất thấp (0,45 mg/L). Đây là vị trí thuộc nội ô thành phố Hồ Chí Minh, chịu tác động bởi lượng lớn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư.
Ngoài ra, chất lượng nước tại điểm cầu Phú Cường (điểm cấp nước sinh hoạt) cũng bị suy giảm, giá trị WQI đợt 5/2020 (WQI=45) giảm so với đợt 4/2020 (WQI=66) do chất lượng nước bị ô nhiễm hữu cơ (đặc trưng bởi thông số BOD5 và COD) và ô nhiễm dinh dưỡng (đặc trưng bởi thông số N-NH4+). Giá trị BOD5, COD và N-NH4+ đợt 5/2020 (16 mg/L, 36 mg/L và 1,51 mg/L) có xu hướng tăng mạnh so với đợt 4/2020 (7 mg/L, 16 mg/L và 0,39 mg/L) từ 2,3-3,9 lần và vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột A2 lần lượt là 2,7 lần, 2,4 lần và 5,0 lần. Thời điểm quan trắc ghi nhận nước triều xuống, nước có màu vàng nhạt, không có mùi hôi, giá trị DO (1,4 mg/L) có xu hướng giảm so với đợt 4/2020 (1,9 mg/L).
Đối với chất lượng nước biển ven bờ thực hiện quan trắc và phân tích tại 06 điểm nằm trong vùng KTTĐ phía Nam. Thông số quan trắc gồm: 14 thông số cơ bản (pH, nhiệt độ, EC, TDS, DO, độ đục, Amoni, Photphat, TSS, Pb, Cd, CN-, Fe, Phenol) và 04 thông số lựa chọn (As, Hg, Cr, Dầu mỡ trong tầng nước mặt).
Kết quả quan trắc nước biển ven bờ đợt 5/2020 cho thấy hầu hết giá trị các thông số đều nằm trong giới hạn quy định theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT (cột vùng bãi tắm, thể thao dưới nước), ngoại trừ thông số TSS và Fe. Giá trị TSS và Fe có xu hướng tăng so với đợt 4/2020, cụ thể:
Giá trị TSS dao động từ 3mg/L-147mg/L và có 1/6 điểm có giá trị vượt QCVN 10-MT:2015/BTNMT 2,9 lần. giá trị TSS có xu hướng tăng so với đợt 4/2020 (đợt 4/2019 các giá trị TSS đều thấp hơn quy chuẩn cho phép).
Kết quả quan trắc cho thấy giá trị Fe đợt 5/2020 có xu hướng tăng cục bộ tại một số điểm quan trắc so với đợt 4/2020, giá trị dao động từ 0,13 mg/L – 0,80 mg/L và có 03/06 giá trị Fe vượt QCVN 10-MT:2015/BTNMT (vùng bãi tắm, thể thao dưới nước Fe ≤ 0,5 mg/L) là Biền Cần Giờ (vượt 1,5 lần), Biển Lộc An (vượt 1,1 lần) và Bãi biển Tân Thành (vượt 1,6 lần).
Đối với khu vực cửa sông ven biển thực hiện quan trắc và phân tích tại 06 điểm. Thông số quan trắc gồm: 14 thông số cơ bản (pH, nhiệt độ, EC, TDS, DO, độ đục, Amoni, Photphat, TSS, Pb, Cd, CN-, Fe, Phenol) và 04 thông số lựa chọn (As, Hg, Cr, Dầu mỡ trong tầng nước mặt). Kết quả phân tích cho thấy chất lượng nước cửa sông ven biển có xu hướng giảm so với đợt 4/2020 cục bộ tại một số cửa sông, cụ thế:
Giá trị TSS đợt 5/2020 dao động từ 4mg/L – 145 mg/L. So với đợt 4/2020 (8mg/L- 143mg/L) giá trị TSS đợt 5/2020 có xu hướng giảm tại các cửa sông vùng Đông Nam Bộ và tăng tại các cửa sông vùng Tây Nam Bộ. Kết quả quan trắc có 03/06 giá trị TSS vượt QCVN 10-MT:2015/BTNMT là điểm Cửa Lớn (vượt 2,1 lần), Cửa Đại-sông Tiền (vượt 2,9 lần) và Cửa Tiểu-sông Tiền (vượt 2,4 lần) (đợt 4 có 1/6 điểm (Cửa sông Sài Gòn-Tam Thôn Hiệp) vượt QCCP 2,9 lần).
Giá trị N-NH4+ đợt 5/2020 dao động từ 0,11 mg/L – 0,20 mg/L và có xu hướng tăng so với đợt 4/2020 (đợt 4/2020 dao động từ nhỏ hơn giới hạn phát hiện (LOD = 0,03 mg/L) đến 0,20 mg/L) (83,3% điểm quan trắc đợt 5/2020 có giá trị N-NH4+ tăng so với đợt/2020). Tất cả các điểm quan trắc đều có giá trị N-NH4+ vượt QCVN 10- MT:2015/BTNMT cột vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh (≤ 0,1 mg/L) từ 1,1 lần – 2,0 lần (đợt 4/2020 có 02/06 giá trị N-NH4+ vượt QCCP).
Kết quả quan trắc thông số P-PO43- tại các điểm quan trắc khu vực cửa sông đợt 5/2020 cho thấy giá trị P-PO43- dao động từ 0,03 mg/L – 0,11 mg/L và có xu hướng tăng so với đợt 4/2020 (đợt 4/2020 dao động từ 0,03mg/L-0,08mg/L). Hầu hết các điểm quan trắc đều có giá trị thấp hơn QCVN 10-MT:2015/BTNMT (vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh), ngoại trừ điểm Cửa Lớn vượt quy chuẩn cho phép 2,1 lần.
Kết quả quan trắc cho thấy giá trị Fe đợt 5/2020 có xu hướng giảm tại các cửa sông vùng Đông Nam Bộ và tăng tại các cửa sông vùng Tây Nam Bộ so với đợt 4/2020. Giá trị Fe dao động từ 0,3-1,41 mg/L (đợt 4/2020 dao động từ 0,2-3,5 mg/L) và có 03/06 giá trị Fe vượt QCVN 10-MT:2015/BTNMT (vùng bãi tắm, thể thao dưới nước Fe ≤ 0,5 mg/L) là điểm Cửa Lớn (vượt 1,1 lần), Cửa Đại-sông Tiền (vượt 1,4 lần) và Cửa Tiểu-sông Tiền (vượt 2,8 lần) (đợt 4 có 1/6 điểm (Cửa sông Sài Gòn-Tam Thôn Hiệp) vượt QCCP 6,9 lần).
Qua kết quả quan trắc môi trường khu vực phía Nam đợt 5 năm 2020 cho thấy một số khu vực đã có dấu hiệu nước mặt. Vì vậy, kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung Ương đến địa phương kịp thời cảnh báo, tăng cường giám sát các nguồn thải tại các vị trí có mức độ ô nhiễm cao:
Nước mặt: một số vị trí có chất lượng nước thấp như các khu vực nội ô thành phố Hồ Chí Minh (Cầu Chữ Y, Cầu Ông Buông, Cầu An Lộc) và cầu Phú Cường cần giám sát chặt chẽ để có biện pháp xử lý phù hợp.