CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

ICT là chìa khóa đem lại sự công bằng cho tất cả mọi người

0

Đó là nhận định của Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU tại Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên ITU (Ministerial Roundtables) diễn ra ngày 20/10 với chủ đề “Vai trò của công nghệ số trong và sau đại dịch covid-19”. Hội nghị nằm trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2020.

Tới dự các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; đại diện lãnh đạo một số Bộ ngành. Về phía các đại biểu quốc tế có Tổng Thư kí ITU Houlin Zhao; các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực TT&TT của nhiều quốc gia trên thế giới và đại diện các doanh nghiệp ICT Việt Nam và quốc tế.
Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2020 là sự kiện quy mô toàn cầu, do Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) và Việt Nam đồng tổ chức, sẽ chính thức diễn ra từ ngày 20-22/10/2020.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, được phép của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu sáng kiến tổ chức sự kiện theo hình thức trực tuyến. Sáng kiến này đã được ITU và các nước thành viên ủng hộ và đánh giá cao.
Chuyển đổi số là một xu thế không thể đảo ngược
Tại Hội nghị Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, “trong mấy năm gần đây, chuyển đổi số thực sự trở thành một xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức và từng cá nhân cơ hội phát triến chưa từng có và đi liền đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh. Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy, nội dung và nội hàm chính sách ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Nhiều điều ngày hôm qua, hôm nay là đúng nhưng sẽ phải thay đổi và phải thay đổi rất nhanh”. 
Là một quốc gia đang phát triển, hơn 30 năm qua Việt Nam đã duy trì được môi trường ổn định, hợp tác, phát triển và tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm ít nước cao nhất thể giới. Trong nỗ lực và kết quả đó có phần quan trọng và tại nhiều thời điểm có tính mở đường của ngành Viễn thông – CNTT – Truyền thông.
Chính phủ Việt Nam xác định cần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ con người, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời Chính phủ đã ban hành một Chương trình chuyển đổi số quốc gia với những mục tiêu, giải pháp cụ thể.
20201021-m01.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trong đại dịch COVID-19, CNTT dường như có thêm động lực để phát triển nhanh hơn, gắn sát hơn với cuộc sống thực tiễn. Ảnh: VGP/Đình Nam
 Về vai trò của ICT trong phòng chống và ứng phó với covid-19, Phó Thủ tướng nhận định, muốn chiến thắng dịch bệnh thì nhất thiết phải huy động được mọi người dân cùng tham gia chống dịch. CNTT-TT giúp thông tin kịp thời, minh bạch về dịch bệnh và hướng dẫn mỗi người dân phải làm gì để bảo vệ mình và cộng đồng. CNTT-TT giúp thực hiện truy vết, quản lý người nhiễm và có nguy cơ lây nhiễm; giúp điều trị hiệu quả hơn. Đặc biệt là giúp kết nối quốc tế, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu về virus, kít xét nghiệm, vacxin… CNTT-TT cũng giúp Nhà nước, doanh nghiệp và người dân tổ chức lại và duy trì các hoạt động của mình trong một trạng thái bình thường mới. Trong đại dịch Covid-19, CNTT -TT dường như có thêm động lực để phát triển nhanh hơn, gắn sát hơn với thực tiễn cuộc sống, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề xuất các đại biểu tham dự Hội nghị ưu tiên thảo luận những nội dung sau để cùng chung tay phát triển công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số vì một thế giới hòa bình, hợp tác và thịnh vượng: Cần hoạch định một chiến lược số trong và sau đại dịch Covid-19, trong đó có những định hướng cho quan hệ hợp tác giữa ITU với các quốc gia thành viên trong chuyển đổi số; Cần thúc đẩy việc xây dựng các chuẩn mở cho công nghệ mạng 5G để tạo cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, giảm chi phí xây dựng mạng lưới; Cần thảo luận tìm sự thống nhất xây dựng công ước quốc tế về không gian mạng để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở bảo đảm an toàn an ninh mạng, bảo đảm chủ quyền các quốc gia, quyền và lợi ích công dân trên không gian mạng.
Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn Hội nghị sẽ đưa ra nhiều sáng kiến cùng các khuyến nghị để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trên toàn cầu, hướng tới tương lai tương sáng, tốt đẹp hơn cho mọi người dân trên thế giới.
Cải cách thể chế, an ninh mạng, các nền tảng số – yếu tố chủ đạo thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Viễn thông, công nghệ thông tin, và công nghệ số đang kết hợp nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Viễn thông đã trở thành công nghệ thông tin, và công nghệ thông tin trở thành công nghệ số. Triển lãm Viễn thông Thế giới đã trở thành Triển lãm Thế giới số sau 50 năm lịch sử. Một cái tên mới với một sứ mệnh mới!
20201020-l6.jpg
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Viễn thông, công nghệ thông tin, và công nghệ số đang kết hợp nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Dịch chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo sẽ trở thành thách thức lớn nhất của nhân loại. Và chúng ta còn phải trải qua một quãng đường dài. Trong hành trình này, ITU cần nắm vai trò dẫn dắt, người đứng đầu ngành TT&TT Việt Nam mong muốn.
Đại dịch Covid-19 là thách thức của thế kỷ mà tất cả chúng ta phải đổi mặt. Nhiều người đã thiệt mạng, các nền kinh tế trì trệ và các chính phủ gặp nhiều khó khăn.
Mỗi thách thức là một cơ hội. Thách thức lớn sẽ đi cùng cơ hội lớn. Để đương đầu với đại dịch toàn cầu, chúng ta cần nỗ lực toàn cầu. Covid-19 là một thách thức toàn cầu. Trong thời điểm khó khăn này, ICT đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta thích nghi và ứng phó với các thách thức, cho phép làm việc và học tập từ xa, từ đó trở nên thiết yếu trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội.
Tại Việt Nam, nhờ nỗ lực của Chính phủ và toàn dân, dịch Covid-19 đã được kiểm soát với vai trò quan trọng của ngành ICT. Nhiều ứng dụng và nền tảng số đã được triển khai để đối phó với đại dịch và thay đổi cuộc sống của chúng ta trong trạng thái bình thường mới.
Tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm xây dựng một Việt Nam số, tiến tới đổi mới sáng tạo hơn, có sức chống chịu tốt hơn, và bền vững hơn. Cải cách thể chế, an ninh mạng, và các nền tảng số sẽ là các yếu tố chủ đạo giúp thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết Việt Nam sẽ hỗ trợ và đồng hành cùng ITU và các nước thành viên trong công cuộc xây dựng một thế giới số.
ICT là chìa khóa đem lại sự công bằng cho tất cả mọi người
Nhắc lại lời của Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela cách đây 20 năm, “ICT thực sự là chìa khóa đem lại sự công bằng cho tất cả mọi người”, Tổng thư ký ITU Houlin Zhao đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của ICT trong việc giúp chúng ta thoát khỏi khủng hoảng, đặc biệt là đại dịch covid-19.
20201021-m02.jpg
Tổng thư ký ITU nhấn mạnh “Việt Nam đã trở thành một tấm gương sáng về phát triển ICT với nhiều quốc gia đang phát triển”.
Vai trò quan trọng của ICT hiện không chỉ được nhắc đến rất nhiều tại các Hội nghị của Liên hiệp quốc, Hội nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT mà tại các Hội nghị Bộ trưởng các ngành như tài chính, Hội nghị thị trưởng thành phố của các quốc gia trên thế giới (liên quan đến xây dựng thành phố thông minh)
Tổng Thư ký nhấn mạnh, ở mỗi thời điểm cần đưa ra chiến lược mới để có thể phá vỡ những silo – là những cơ cấu, thể chế hoạt động độc lập hiện tại. Chúng ta không thể  tiếp tục hoạt động kinh doanh như trước đây. Chúng ta cần tuân theo nguyên tắc 4 chữ I: Đó là Infrastructure (cơ sở hạ tầng), Investment (Đầu tư), Innovation (Đổi mới sáng tạo) và Inclusiveness (Phát triển bao trùm). Đây là 4 nguyên tắc cơ bản khi phát triển ICT, không chỉ cần cơ sở hạ tầng mà còn cần đầu tư một cách kiên trì, dài hạn để phát triển cơ sở hạ tầng TT-TT. Môi trường chúng ta xây dựng không chỉ dành cho một người, một nhóm, mà có tính bao trùm.
Tổng thư ký mong muốn tất cả các nước thành viên ITU và các đối tác quan trọng, cùng nhau chung tay để vượt qua khó khăn hiện tại, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch sang thế giới số cũng như thu hẹp khoảng cách số trên toàn thế giới.
ITU Digital World 2020 sẽ bao gồm các hoạt động sau:
Phần triển lãm:
Triển lãm trực tuyến được xem là điểm nhấn quan trọng của ITU Digital World 2020, bao gồm các gian hàng quốc gia (National pavilion) giới thiệu về thành tựu chuyển đổi số của các quốc gia và các gian hàng trực tuyến 2D hoặc 3D (Virtual booth) giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của tổ chức, doanh nghiệp từ các nước.
Với các gian hàng 2D, các doanh nghiệp/tổ chức sẽ được cung cấp bộ công cụ và lựa chọn hơn 10 mẫu thiết kế gian hàng khác nhau để tự thiết kế, xây dựng gian hàng trực tuyến, trưng bày các sản phẩm, dịch vụ được số hóa. Sự nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả là đặc điểm nổi bật của công cụ thiết kế gian hàng 2D mà nền tảng của Sự kiện muốn đem lại cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia triển lãm.
Các gian hàng 3D được mô phỏng theo thiết kế thực sẽ mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo, mới lạ cho người dùng. Khách tham quan có thể di chuyển và khám phá tư liệu hiện vật trong không gian 3D đặc trưng; tương tác phóng to/thu nhỏ với nội dung thông tin, hiện vật 3D của gian hàng hay trải nghiệm hệ thống sơ đồ tham quan, thuyết minh tự động tương ứng với từng khu vực của không gian trưng bày. Nền tảng triển lãm trực tuyến cũng cho phép các doanh nghiệp tương tác trực tiếp với khách tham quan, thông qua bảng khảo sát về mức độ quan tâm đối với sản phẩm, dịch vụ.
Việc tham quan gian hàng 3D sẽ được hỗ trợ bởi nhiều tính năng công nghệ 3D hiện đại cùng hình ảnh và video trực quan, giúp quá trình truy cập, tìm kiếm thông tin trở nên sống động. Đây là trải nghiệm mới đối với người dùng. Khách thăm quan có thể sử dụng máy tính bảng, điện thoại di động, và cả các thiết bị công nghệ mới như kính thực tế ảo (AR/VR).
Hiện trên website sự kiện đã có khoảng hơn 150 gian hàng định dạng 2D (trên tổng số 233 gian hàng đăng ký) và 06 gian hàng định dạng 3D (bao gồm: Viettel, VNPT, Vinsmart, CMC, BKAV, FPT).
Phần diễn đàn:
– Các phiên Hội nghị Bộ trưởng sẽ tập trung thảo luận quanh chủ đề Hoạch định chiến lược số trong và sau Covid-19 và định hướng cho quan hệ hợp tác giữa ITU với các quốc gia thành viên trong triển khai các chương trình chuyển đổi số. Với sự tham gia của khoảng 50 Bộ trưởng/Thứ trưởng, cùng lãnh đạo các cơ quan quản lý ICT và kinh tế số đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, lãnh đạo ​​các tập đoàn hàng đầu thế giới, cùng tranh luận về “Vai trò của công nghệ số trong và sau đại dịch COVID-19” – và khám phá tầm quan trọng của kết nối t số trong các chiến lược phục hồi kinh tế quốc gia. Các nội dung thảo luận chính bao gồm: Các thay đổi chính sách do hậu quả của đại dịch COVID-19; các chiến lược số quốc gia cần được điều chỉnh trong tương lai; đại dịch đã thay đổi các vấn đề ưu tiên hoặc cơ hội kinh doanh như thế nào; và các ưu tiên của doanh nghiệp để giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
– Các hội nghị chuyên đề là nơi hội tụ của các chuyên gia ICT và công nghệ số trong hệ sinh thái số. Hội thảo sẽ tập trung vào các chính sách, công nghệ và xu hướng thúc đẩy nền kinh tế số trong các phiên về Thu hẹp khoảng cách băng rộng: kích thích khu vực công và tư kết nối những người chưa kết nối; Bước vào kỷ nguyên 5G: nhu cầu, triển khai và yêu cầu; và Các giải pháp bảo mật và quyền riêng tư trên mạng: bảo vệ thế giới số của chúng ta.

Nền tảng và công nghệ phục vụ cho Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2020 do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội(Viettel) nghiên cứu và xây dựng.

Theo mic.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.