(TN&MT) – “Nếu phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu thì việc chuyển dịch hướng tới kinh tế tuần hoàn sinh học là một sự lựa chọn dũng cảm và khôn ngoan, trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và những thách thức lớn do biến đổi khí hậu”.
Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA), tại “Hội nghị khởi động xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Nền kinh tế tuần hoàn sinh học là gì?
Ông Nguyễn Lê Thăng Long cho biết, kinh tế tuần hoàn sinh học là mô hình nền kinh tế mới tập trung vào sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo, dần thay thế các nguyên liệu hóa thạch, nguyên liệu không có khả năng tái tạo để kiểm soát và hạn chế tối đa rác thải vào tự nhiên. Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững và là hướng đi của tương lai.
Chuỗi cung ứng cho nền kinh tế sinh học tuần hoàn là một vòng tròn khép kín: Bắt đầu từ các nguồn nguyên liệu tái sinh như tinh bột, cellulose hay protein. Trải qua các quá trình tổng hợp sinh hóa học sẽ tạo ra các loại nguyên liệu có khả năng phân hủy sinh học. Các nguyên liệu phân hủy sinh học này tiếp tục được gia công tạo ra các sản phẩm phân hủy sinh học ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản phẩm sử dụng 1 lần, bao bì màng mỏng, thiết bị y tế hoặc điện tử. Các sản phẩm này sau khi sử dụng sẽ có thể được xử lý như những rác hữu cơ khác thông qua quá trình xử lý vi sinh như chôn lấp hoặc các nhà máy rác vi sinh, sau đó, sẽ phân hủy thành CO2, nước và sinh khối dưới tác dụng của vi sinh vật. Những sinh khối này lại có thể được sử dụng để làm nguồn nguyên liệu đầu vào trong nông nghiệp. Tất cả những điều này tạo nên một vòng tròn tuần hoàn, khép kín, đảm bảo thân thiện với môi trường.
Việc sản xuất ra các sản phẩm phân hủy sinh học chính là một giải pháp để dần hạn chế rác thải nhựa khó phân hủy hiện nay và là giải pháp chính để thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi nilong, ống hút nhựa dùng một lần… hiện đang là một vấn nạn về rác thải nhựa. Thế nhưng, điều bất cập không chỉ là ở nhận thức của người sử dụng, việc hạn chế về công nghệ sản xuất mà còn do đặc tính khó thu hồi của các sản phẩm này.
Vì khó thu hồi nên túi nilong, ống hút, vỏ chai bị thải bỏ ra môi trường đã khiến Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới đối diện với ô nhiễm trắng.
Sản phẩm phân hủy sinh học phù hợp với Việt Nam
Thực tế cho thấy, các sản phẩm dùng một lần như túi nilong, cốc nhựa, ống hút nhựa, … luôn là lựa chọn hàng đầu cho người tiêu dùng với tính tiện dụng và giá thành rẻ và đã dần trở thành thói quen khó bỏ với tất cả mọi người. Hiện nay, chúng ta có thể gặp các sản phẩm này tại bất cứ đâu, từ hàng nước, quán cơm bình dân, tới các cửa hàng tiện lợi, siêu thị và cả các cửa hàng cao cấp. Với đặc tính thiết kế của sản phẩm dùng một lần, chúng thường sẽ được vứt đi ngay sau một lần sử dụng, mà ít ai để ý tới tác hại của chúng sau khi bị vứt ra ngoài môi trường. Ngoài ảnh hưởng tới môi trường như làm suy kiệt dinh dưỡng trong đất, tàn phá hệ sinh thái, hủy hoại sinh thái biển, sông, hồ, chúng còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người thông qua chuỗi thức ăn và sự phát thải trong các quá trình xử lý không đạt chuẩn.
Để hạn chế vấn đề này, các sản phẩm phân hủy sinh học thay thế cho các sản phẩm từ nhựa truyền thống sẽ mang lại sự phát triển bền vững hơn. Các sản phẩm phân hủy sinh học phổ biến mà chúng ta hay biết như làm từ giấy, làm từ các vật liệu tự nhiên như tre, bã mía… hoặc công nghệ cao hơn là các loại nhựa có khả năng phân hủy sinh học.
“Nền kinh tế tuần hoàn sinh học nên là hướng đi cần được khuyến khích và thúc đẩy ở Việt Nam” – ông Long khẳng định. Lý do là bởi nguồn nguyên vật liệu đầu vào tái sinh sẽ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu không thể thay thế, đồng thời, đây sẽ là giải pháp phù hợp với Việt Nam trong điều kiện các cơ sở hạ tầng về thu gom, phân loại nhựa của chúng ta còn chưa được hoàn thiện.
Mặt khác, các sản phẩm phân hủy sinh học đều có thể phù hợp với nhiều lựa chọn cho cách thức xử lý khi chúng ở cuối vòng đời, bao gồm tái sử dụng, tái chế hữu cơ và thu hồi năng lượng. Hơn nữa, việc sử dụng các sản phẩm hủy sinh học túi đi chợ, túi rác bao bì thực phẩm có thể thải bỏ chung đối với các chất thải hữu cơ khác. Các loại dao, thìa, dĩa phân hủy sinh học sẽ tăng cường quá trình ủ phân công nghiệp (tái chế hữu cơ) như một phương án quản lý chất thải và giúp tăng hiệu quả quản lý chất thải.
Cần thêm chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp xanh
Từ câu chuyện về nhựa phân hủy sinh học, TS. Nguyễn Lê Thăng Long nhấn mạnh, đây là minh chứng rõ nét cho một định hướng đúng theo kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, nền kinh tế tuần hoàn gốc sinh học đã bắt đầu phát triển, với sự ra đời của các doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường như chai lọ, túi, ống hút làm từ bột gạo, tre, hay nhựa phân hủy sinh học.
Tuy vậy, nền kinh tế tuần hoàn gốc sinh học tại Việt Nam vẫn còn những khó khăn trong quá trình chuyển dịch như: Các sản phẩm sinh học thường cần công nghệ cao để sản xuất, kéo theo giá thành của các sản phẩm này còn cao, do đó khó có khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm nhựa truyền thống trên thị trường. Ngoài ra, những lợi thế cạnh tranh khác của sản phẩm sinh học còn khá yếu như: người tiêu dùng vẫn khó nhận biết sản phẩm phân hủy sinh học với các sản phẩm nhựa thông thường khác, dẫn đên sự thải bỏ chung các loại nhựa này, làm mất đi tính ưu việt của sản phẩm phân hủy sinh học. Người dân cũng chưa được định hướng tiêu dùng nên sẽ đơn thuần chọn sản phẩm rẻ hơn mà bỏ qua vấn đề môi trường.
“Để giải quyết bài toán này, chúng tôi cùng với hiệp hội doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường để hỗ trợ tư vấn và xây dựng các chính sách phát triển nền kinh tế tuần hoàn sinh học. Ví dụ như: Chính sách hạn chế sản xuất, hạn chế sử dụng sản phẩm dùng một lần từ các loại nhựa truyền thống không thân thiện môi trường; Ưu đãi sản phẩm, thị trường cho mặt hàng thân thiện môi trường; Củng cố, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sản phẩm sinh học để có thể phân biệt, kiểm nghiệm chất lượng, vv..của các sản phẩm phân hủy sinh học so với các loại nhựa truyền thống; Đầu tư, khuyến khích nghiên cứu công nghệ xanh-sạch dành cho sản phẩm sinh học; Tăng cường trao đổi công-tư xoay quanh cơ hội hợp tác, đầu tư lĩnh vực liên quan”, ông Long cho biết.
Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) được thành lập đầu tháng 1/2022 – đã đoàn kết các Hội viên cùng chung chí hướng và tham vọng xây dựng một nền sản xuất xanh, không tạo ô nhiễm – hài hòa với thiên nhiên bởi các sản phẩm có nguồn gốc sinh học thân thiện với môi trường. Đây cũng chính là cốt lõi để chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn sinh học.
Hiệp hội hiện đã có khoảng 50 thành viên, ngoài các thành viên trong lĩnh vực sản xuất, còn các ngành hàng bán lẻ và dịch vụ nhằm khép kín vòng tuần hoàn cho các sản phẩm gốc sinh học./.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/