CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Hội thảo về chính sách hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đối với các địa phương khi phát triển các dự án đốt rác thu hồi năng lượng

0

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Môi trường Nhật Bản về việc chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý chất thải, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt phát điện tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Môi trường Nhật Bản thành lập Ủy ban hỗn hợp quản lý chất thải và 3R đồng thời giao Tổng cục  Môi trường là đơn vị chủ trì tổ chức phiên họp hàng năm nhằm đưa ra các nội dung cụ thể về hoạch định chính sách, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến quản lý chất thải. Do đó, chiều ngày 18/2, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Tổng cục Tái tạo môi trường và Tuần hoàn vật chất của Nhật Bản tổ chức Hội thảo về chính sách hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đối với các địa phương khi phát triển các dự án đốt rác thu hồi năng lượng.


Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Tới dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Tham dự Hội thảo còn có đông đảo các chuyên gia Nhật Bản cùng lãnh đạo và chuyên viên của nhiều Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn toàn quốc.

Trong những năm vừa qua, công tác quản lý chất thải rắn nói chung, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt đang ngày càng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo. Điều này đã được cụ thể hóa bằng việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện và chi tiết, cụ thể hơn để các Bộ, ngành và địa phương đều có thể tổ chức, triển khai thực hiện ví dụ như Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu, Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý chất thải nguy hại, …

Năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ về việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, Bộ TN&MT đã tiến hành đánh giá, xây dựng Báo cáo rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, trong đó bao gồm cả hoạt động quản lý đối với những cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt có thu hồi năng lượng.

Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong những năm qua luôn là nội dung trọng tâm được triển khai ở các cấp, các ngành, địa phương nhằm kiểm soát, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai đã gặp không ít khó khăn về thể chế, chính sách, đặc biệt là các quy định về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành, địa phương; các cơ chế chính sách đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy hoạch quản lý chất thải rắn; định mức, đơn giá thu gom xử lý chất thải rắn; công nghệ xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt còn lạc hậu, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt còn phổ biến (chiếm 71%); nhiều nơi chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường; đã có nhiều vụ việc nóng gây mất an ninh trật tự đã xảy ra ở một số địa phương xuất phát từ công tác quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải rắn sinh hoạt.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thượng Hiền đề nghị các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm, thực trạng và trao đổi, thảo luận về các vấn đề như nhận thức và đánh giá đúng tình hình, thách thức và cơ hội đối với công tác quản lý chất thải rắn ở nước ta và những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn, trong đó tập trung vào chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt là tại Hội thảo lần này, Tổng cục Môi trường đã mời đến hầu hết các đại diện của các tỉnh/thành phố của Việt Nam đã, đang có các dự án đầu tư các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt có thu hồi năng lượng; trao đổi, thảo luận để từ đó đề xuất mang tính bước ngoặt, đột phá trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt; thay đổi phương thức quản lý: coi chất thải là tài nguyên; chú trọng các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải; tập trung rà soát hoàn thiện các quy định, chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước. Trong đó, làm rõ và đề xuất cụ thể với Chính phủ phương án phân định và làm rõ trách nhiệm của các Bộ, các cơ quan của địa phương trong quản lý CTRSH; quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong công tác quản lý CTRSH theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP.

Tiếp đó, các đại biểu được nghe các báo cáo tham luận của các chuyên gia Nhật Bản về các mô hình quản lý, thu gom, phân loại và xử lý rác thải cũng như công nghệ đốt rác hiện nay tại Nhật Bản. Tại Hội thảo, các đại biểu từ Khánh Hòa và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có những báo cáo hết sức cụ thể, trực quan về tình hình thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại địa phương.

Đại biểu c​ủa Sở TN&MT Bà Rịa – Vũ​ng Tàu báo cáo tại Hội thảo.

Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Thượng Hiền đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức, triển khai thực hiện Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 40/2019/NĐ-CP và quy định quản lý hoạt động quan trắc môi trường.

Phó Tổng cục trưởng tin tưởng với sự chia sẻ kinh nghiệm của Bộ Môi trường Nhật Bản, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và góp phần phát triển bền vững của đất nước./.

( Theo Vea.gov.vn)

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.