CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

0
Tiếp nối thành công của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 4 năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V và các sự kiện liên quan nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2022, xác định những vấn đề còn tồn tại, khó khăn và vướng mắc, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho công tác bảo vệ môi trường ở nước ta trong những năm tiếp theo.

Để mở đầu cho chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, sáng 29/7, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường tổ chức “Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của đông đảo đại biểu đại diện cho các Bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các điểm cầu đại diện cho 63 địa phương trên cả nước, các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự tham dự của nhiều nhà chuyên gia, nhà khoa học đã cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự quyết tâm đồng hành cùng Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, bước vào đầu nhiệm kỳ 2016-2021, môi trường nước ta vẫn đang chịu nhiều áp lực lớn từ hệ quả của quá trình phát triển kinh tế – xã hội nóng, chú trọng phát triển theo chiều rộng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Cùng với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ đã có nhiều tổ hợp công nghiệp phức tạp, quy mô lớn được đầu tư vào Việt Nam tạo ra những thách thức lớn trong việc nhận diện, dự báo kịp thời các vấn đề môi trường. Các vấn đề môi trường theo dòng chảy sông Mê Công, sông Hồng, các sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn so với dự báo làm phức tạp thêm các vấn đề môi trường.

Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, sự cố gắng của các cấp, các ngành, sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương, sự giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế, công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển, ngày càng hoàn thiện, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang xây dựng. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Chất lượng môi trường sống ngày càng được cải thiện. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác BVMT. Nhiều mô hình đô thị sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, nông thôn mới, sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường đã được triển khai thực hiện.

Bên cạnh những thành công đạt được, công tác bảo vệ môi trường nước ta vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Môi trường ở một số nơi vẫn bị ô nhiễm, tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

Năm 2022 là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0″ (“Không”) vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu COP26.

“Trong bối cảnh đó, Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ngày hôm nay được coi như một diễn đàn mở, nhằm quy tụ được sự tham gia của đầy đủ các thành phần từ cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau trao đổi, thảo luận, thống nhất nhận thức và hành động trong công tác BVMT; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về BVMT trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Kết quả của Hội thảo chuyên đề ngày hôm nay là chất liệu quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2022 và định hướng giai đoạn 2022 – 2025 của ngành tài nguyên và môi trường được trình bày tại Phiên toàn thể của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V tổ chức vào ngày 04/8/2022 tới đây.”, đồng chí Nguyễn Văn Tài nói.

Đồng chí Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh, cùng với nỗ lực của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, sự vào cuộc đồng lòng của các cơ quan, Bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong ý thức và hành động về BVMT. Tổng cục Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các cơ quan, Bộ, ban, ngành ở trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia trong sự nghiệp BVMT; đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu quan trọng của Đảng và Chính phủ đề ra trong năm 2022 và các năm tiếp theo đối với công tác BVMT.

Nối tiếp chương trình, các đại biểu tham dự Hội thảo cùng tập trung vào 04 chuyên đề chuyên sâu, được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm gồm công tác đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động đầu tư phát triển; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái; Quản lý chất lượng các thành phần môi trường; Tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Với mỗi nội dung chuyên đề, các đại biểu được nghe lãnh đạo đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường trình bày 01 báo cáo đề dẫn nhằm khái quát kết quả đạt được trong giai đoạn 05 năm qua; các khó khăn, vướng mắc, tồn tại; gợi mở một số hướng giai đoạn tới.

Sau bài báo cáo đề dẫn, hội thảo cùng nghe các bài tham luận, ý kiến trao đổi của các chuyên gia có kinh nghiệm, các địa phương, đơn vị có liên quan về chủ đề của báo cáo đề dẫn nhằm làm sâu sắc thêm nội dung của báo cáo đề dẫn. Theo đó, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý để làm nổi bật các kết quả đạt được của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2022; nhận diện những thời cơ, thách thức đặt ra cho công tác bảo vệ môi trường cũng như công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới; trên cơ sở đó, xác định những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai thực hiện để biến thách thức thành cơ hội, thống nhất từ nhận thức đến hành động trong toàn xã hội để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương, các doanh nghiệp trong công tác BVMT để thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là kinh nghiệm về các mô hình hay, cách làm hiệu quả, thân thiện môi trường để góp phần lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.

Hội thảo sẽ diễn ra trong cả ngày 29 tháng 7 năm 2022./.


Theo: vea.gov.vn
Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.